Theo dõi trên

Chuyển dịch công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

12/09/2023, 05:22

Thực hiện các nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2023 trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường. Với thực trạng trình độ phát triển kinh tế của tỉnh còn thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu.

Thu hút nhiều dự án lớn

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các chính sách, quy định của pháp luật. Việc chồng lấn các quy hoạch giữa khoáng sản, xây dựng, du lịch, trên địa bàn tỉnh chưa được giải quyết triệt để; việc huy động các nguồn lực, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, nội lực của khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh còn vướng mắc. Tuy nhiên, Bình Thuận đã triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách đến các tổ chức tín dụng và người dân trên địa bàn tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình kết nối với doanh nghiệp.

kinh-te-1-.jpg
Mô hình dự án KCN Sơn Mỹ. Ảnh: Đ.Hòa

Công tác thu ngân sách nhà nước triển khai tích cực; quản lý, khai thác tốt các nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh; triển khai kịp thời các chính sách miễn, giảm thuế theo quy định. Quy mô thu NSNN tiếp tục được cải thiện theo hướng tăng thu nội địa, trở thành nguồn thu chủ yếu và ổn định trong tổng thu NSNN. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 9.500 tỷ đồng (giảm 14,33% so với năm 2022); trong đó: Thu nội địa ước đạt 8.100 tỷ đồng (giảm 19,71% so với năm 2022).

Từ năm 2021 đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2023 ước đạt 41.377 tỷ đồng (tăng 5,58% so với năm 2020). Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hút được nhiều dự án đầu tư công nghiệp có quy mô lớn, nhất là các dự án năng lượng. Có thể nói, tiềm năng về năng lượng được khai thác, phát huy tốt, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, thuộc nhóm ngành hoạt động hiệu quả nhất, đóng góp lớn trong nền kinh tế của tỉnh, là động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh.

Cùng với đó, Bình Thuận đã tăng cường đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 88 dự án thứ cấp, tỷ lệ lấp đầy của các KCN đã xây dựng đạt khoảng 40%; có 27 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút, bố trí hơn 175 dự án đầu tư với tổng diện tích 270,33 ha, chiếm 35,9% diện tích đất công nghiệp của các cụm. Ngày 28/8/2023, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án KCN Sơn Mỹ 2 với tổng diện tích 468,35 ha.

Trong năm 2023, Bộ Công Thương chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I và dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ II với tổng công suất là 4.500 MW, tổng vốn trên 4 tỷ USD và UBND tỉnh đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Kho cảng LNG tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân với tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD triển khai tại KCN Sơn Mỹ I, huyện Hàm Tân, đây là các dự án có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng của tỉnh.

kinh-te-2-.jpg
Sản xuất tại Khu công nghiệp Hàm Kiệm. Ảnh: Đ.Hòa

Tập trung cải thiện các chỉ số

Song hành với nhiệm vụ phát triển kinh tế, Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh. Công tác cải cách hành chính của tỉnh được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo. Chỉ đạo tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện các Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thực hiện việc đánh giá nghiêm túc bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện, thị xã, thành phố (DDCI) tỉnh Bình Thuận. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được triển khai thống nhất, đồng bộ cho 18/19 cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh (trừ Thanh tra tỉnh), Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, 10/10 UBND cấp huyện, 124/124 UBND cấp xã; cung cấp 650 dịch vụ công trực tuyến. Triển khai đồng bộ hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh (cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã) kết nối trục liên thông gửi, nhận văn bản quốc gia. Lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố duy trì hàng tháng làm việc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ UBND tỉnh giao, nhất là trong thực hiện giải quyết hồ sơ công việc cho tổ chức, cá nhân, qua đó kịp thời phát hiện chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót. Tăng cường rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Tỉnh đã xác định trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết và kiểm soát thủ tục hành chính. Nâng cao các chỉ số Cải cách hành chính, Quản trị hành chính công và Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được công bố hàng năm, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thúc đẩy các dịch vụ công đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

CÔNG NAM


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hiệu quả từ giống vịt siêu thịt Grimaud
“Giống vịt siêu thịt Grimaud có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu địa phương, khả năng sinh trưởng - tăng trọng nhanh, rút ngắn thời gian nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Đó là những đánh giá thực tế từ kết quả mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt thương phẩm tại xã Tân Hải, mà Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ nông nghiệp thị xã La Gi vừa tổ chức hội thảo.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển dịch công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế