Phát triển kinh tế biển đảo tại Phú Quý. Ảnh: Ngọc Lân |
Nhiều tiềm năng
Lời tựa trên là ý kiến của TS. Lê Cao Thanh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh trong một hội thảo về giải pháp phát triển doanh nghiệp bền vững tổ chức tại Bình Thuận mới đây. Theo TS. Thanh, Bình Thuận hiện có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Nổi lên, đây là một trong những ngư trường lớn của cả nước, có tài nguyên thủy sản phong phú với trên 500 loài cá và nhiều đặc sản có giá trị cao. Dọc bờ biển và đảo Phú Quý có thể phát triển nghề nuôi cá lồng bè, với các loại hải đặc sản như cá mú, tôm hùm… Đặc biệt, ven biển Bình Thuận có tiềm năng lớn để phát triển ngành nuôi tôm giống, tập trung tại huyện Tuy Phong. Ngoài ra, bờ biển của tỉnh còn có nhiều địa điểm thuận lợi cho việc xây dựng cảng cá và những khu công nghiệp chế biến thủy, hải sản như Vĩnh Tân, Hòn Rơm, Kê Gà, Sơn Mỹ…
Mặt khác, trong những năm qua, Bình Thuận đã thu hút nhiều dự án đầu tư du lịch ở ven biển, nhất là khu vực Hàm Tiến, Mũi Né, Tiến Thành. Tính đến nay. toàn tỉnh có 150 resort và phần nhiều đều đạt từ 3 - 5 sao. Trong đó, Hàm Tiến - Mũi Né đã trở thành “thủ đô resort của Việt Nam”, là điểm đến an toàn, được ưu tiên lựa chọn của du khách trong và ngoài nước. Tuy vậy, Bình Thuận đang đứng trước những thách thức không nhỏ từ ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Nổi rõ nhất thời gian qua là tình trạng xói lở bờ biển, môi trường sinh thái biển đang từng ngày xuống cấp…
Phải nắm cơ hội
Trước tác động của dịch Covid- 19, nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế biển Bình Thuận nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, tiềm năng, thế mạnh của Bình Thuận cần được phát huy trên cơ sở hành động phù hợp.
Muốn thế, phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh phải đảm bảo kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ tài nguyên và môi trường, gắn với phát triển kinh tế với củng cố an ninh - quốc phòng vùng biển đảo. Trong đó, hướng phát triển ngành khai thác, chế biến thủy hải sản thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo hướng này, tỉnh có thể từng bước phát triển ngành khai thác thủy, hải sản theo mô hình công nghiệp, với đặc trưng là tàu lớn, phương tiện đánh bắt hiện đại, có công nghiệp sơ chế và bảo quản tại chỗ. Có phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, khả năng đánh bắt xa bờ dài ngày. Bên cạnh đó, đội tàu còn có sự liên kết chặt chẽ với hệ thống bảo quản, chế biến trên bờ và dịch vụ nghề cá trên biển. Tiếp đến, xây dựng mô hình tổ hợp khai thác - chế biến thủy, hải sản trên biển. Ngành khai thác, chế biến thủy, hải sản cần có sự hỗ trợ của nhiều ngành khác, đặc biệt là các ngành đóng, sửa chữa tàu thuyền đánh bắt hải sản, công nghiệp đông lạnh và chế biến đồ hộp…
Song song, hiện việc phát triển các thương hiệu thủy sản Bình Thuận đang được triển khai đồng bộ. Một số thương hiệu nổi bật như nước mắm Phan Thiết, mực một nắng... Tuy nhiên, thực tế độ phủ thị trường của các thương hiệu chưa rộng. Nên trong những năm tới, tỉnh cần phát triển thương hiệu đã có tại các thị trường lớn trong và ngoài nước. Cùng với đó, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thế mạnh khác. Tiến hành đăng ký dán nhãn chỉ dẫn địa lý để bảo vệ thương hiệu và giúp thủy sản Bình Thuận thâm nhập các thị trường lớn. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá tại Phú Quý, đưa Phú Quý trở thành trung tâm sơ chế, bảo quản hải sản, trung tâm dịch vụ biển. Chỉnh trang và nâng cấp Cảng cá Phan Thiết, La Gi, Phan Rí Cửa. Một mặt, mở rộng các khu neo đậu tàu thuyền tránh bão ở Liên Hương, Chí Công, Phan Rí Cửa, Mũi Né, Phú Hải, Ba Đăng, La Gi và Phú Quý…
Nắm bắt được cơ hội, Bình Thuận sẽ đứng vững và phát triển bền vững kinh tế biển.
Kiều Hằng