Theo dõi trên

Công tác chăm sóc người có công: Thể hiện sâu sắc đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”

09/12/2022, 05:22 - Lượt đọc: 618

Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng (Chỉ thị số 14-CT/TW), Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện trong toàn tỉnh.

Qua 5 năm thực hiện đã tạo được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân; đồng thời, động viên thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình liệt sĩ phát huy truyền thống cách mạng, tiếp tục phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

co-cong.jpeg
Đồng chí Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lương Thị Con. Ảnh: Thu Hà

Nhìn lại 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW và Chỉ thị số 25-CT/TU, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện khá đồng bộ các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng. Công tác quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người có công với cách mạng đạt nhiều kết quả tốt, đã kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng đảm bảo đúng quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng, qua đó góp phần hạn chế, khắc phục những sai sót, vướng mắc và đảm bảo quyền lợi của người có công; việc vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ xây, sửa nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng, đỡ đầu đối tượng chính sách đã thật sự trở thành phong trào lớn, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, thu hút đông đảo tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây, sửa bia, đài tưởng niệm được quan tâm thực hiện thường xuyên… Tuy nhiên, do một số ít cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác người có công với cách mạng, còn tư tưởng xem đây là việc của riêng ngành lao động, thương binh và xã hội dẫn đến công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành đôi lúc chưa chặt chẽ, đồng bộ, chưa huy động được nhiều nguồn lực tham gia đóng góp cho người có công với cách mạng. Một số chính sách tuy đã được ban hành nhưng chưa đáp ứng hết nguyện vọng của người có công với cách mạng và thân nhân. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách có liên quan đến người có công với cách mạng có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa được đầy đủ, dẫn đến người thụ hưởng chính sách chậm tiếp cận thông tin. Đội ngũ làm công tác lao động, thương binh và xã hội ở cơ sở thường xuyên chuyển đổi vị trí công tác nên việc triển khai thực hiện chính sách cho người có công với cách mạng có lúc chưa kịp thời. Việc tham mưu xét duyệt hồ sơ, xác nhận đối tượng có công với cách mạng chưa đảm bảo, chưa đúng thời gian theo quy định. Phong trào chăm sóc người có công với cách mạng từng lúc, từng nơi thực hiện chưa chu đáo. Việc huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng còn hạn chế...

tham-tang-qua.jpg
Đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy tặng quà bệnh binh Nguyễn Thị Tư. Ảnh: Thu Hà

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, yêu cầu đặt ra cho các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người có công với cách mạng; xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Quan tâm bố trí ngân sách Nhà nước gắn với đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm, gắn với quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí đúng quy định, đạt hiệu quả cao. Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản và hiệu quả hơn, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông từ xã lên tỉnh trong việc giải quyết các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng. Thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương khen thưởng các thương binh, bệnh binh và gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, tự nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó các địa phương, các cơ quan, đơn vị, cũng như mỗi cá nhân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực với ý thức trách nhiệm cao hãy chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm, để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, qua đó, thể hiện sâu sắc truyền thống, đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của thế hệ hôm nay đối với những cống hiến, hy sinh của các thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, góp phần giảm bớt nỗi đau mất mát của người có công với cách mạng. Đồng thời, động viên thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình liệt sĩ phát huy truyền thống cách mạng, tiếp tục phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

BẢO TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nhân rộng nhiều mô hình tự quản, tự phòng ở La Gi
Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Mặt trận thị xã La Gi và cơ sở tiếp tục phối hợp củng cố và duy trì các mô hình do Mặt trận phát động; trong năm 2022 đã xây dựng mới và nhân rộng 4 mô hình.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công tác chăm sóc người có công: Thể hiện sâu sắc đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”