Đây là một trong những nội dung trong chuyến Famtrip do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, Tạp chí Nông thôn Việt và Lửa Việt Tours tổ chức trong những ngày cuối tháng 12/2023.
Tại buổi tọa đàm, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Bình Thuận là địa phương có thế mạnh về du lịch biển, nhất là loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao biển… Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng có dư địa rất lớn phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái cộng đồng với thế mạnh quỹ đất lớn kết hợp ưu điểm về sông ngòi, kênh rạch, rừng núi. Đặc biệt, tại huyện Hàm Thuận Bắc đang có một Đa Mi xanh ngút ngàn bởi thiên nhiên, tiềm năng nổi trội để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với nhiều danh thắng như: hồ Hàm Thuận, hồ Đa Mi kỳ bí và quyến rũ, thác Chín Tầng, thác Sương Mù…
Du lịch Bình Thuận đã và đang hướng tới hình thành các tour “lên rừng xuống biển” kết nối giữa thành phố Phan Thiết với các địa phương như: Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, đặc biệt tuyến du lịch trekking (đi bộ dã ngoại đường dài) nổi tiếng Phan Dũng (Bình Thuận)- Tà Năng (Lâm Đồng) đã góp phần đa dạng sản phẩm, loại hình phục vụ du khách khi đến Bình Thuận. Đặc biệt hơn, du lịch sinh thái hiện nay gắn với nông nghiệp người nông dân có thể quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của mình và qua đó nâng cao thu nhập từ nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững.
Theo ông Bùi Thế Nhân , hiện nay tiềm năng và thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nông nghiệp vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả. Việc phát triển loại hình này còn gặp phải nhiều khó khăn trong việc định hình mô hình, sản phẩm; vướng mắc trong thủ tục phát triển du lịch cộng đồng trên đất nông nghiệp, đất rừng…
Tọa đàm lần này là cơ hội để các đơn vị đánh giá lại tiềm năng, cơ hội, điểm mạnh, điểm yếu và thách thức của du lịch tỉnh Bình Thuận. Trên cơ sở đó, đại biểu đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, phù hợp với đặc điểm của địa phương. Đặc biệt là các mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, khám phá thiên nhiên, thể thao mạo hiểm, trekking, homestay, gardenstay (du lịch nhà vườn)…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng được nghe đại diện các “điểm đến” du lịch cộng đồng nổi tiếng như: Bản làng Thái Hải (Thái Nguyên); điểm bản Sin Suối Hồ (Lai Châu)…chia sẻ kinh nghiệm, cách làm loại hình du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng.
Ông Phạm Công Danh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết: “Một yếu tố hết sức quan trọng trong khai thác loại hình du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp là yếu tố con người. Nhân sự tại các cơ sở du lịch, nhà vườn… phải am hiểu bản địa từ văn hóa, khí hậu, môi trường sinh thái, sản vật địa phương đến mùa vụ, ẩm thực bên cạnh các kiến thức, nghiệp vụ, khả năng vận hành cơ sở lưu trú. Bên cạnh đó, khẳng định yếu tố quảng cáo, truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng. Các đơn vị phải xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu và cần có chiến lược lâu dài theo các mùa trong năm, theo chủ đề, đặc trưng bản địa để gợi mở sự tò mò của du khách. Ngoài ra, các đơn vị phải định vị được điểm đến của mình (định danh số) trên bản đồ để du khách dễ tìm đến.
Tại buổi hội thảo, ông Dato’HJ.Sahariman Bin Hamdan, Chủ tịch Hiệp hội Homestay Malaysia, muốn phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nông nghiệp thì cần có sự kết nối với cộng đồng địa phương bản địa. Điều quan trọng nhất là sự phát triển của cộng đồng địa phương và bình đẳng kinh tế trong cộng đồng. Nếu muốn nhắm đến việc thu hút lượng khách chất lượng cao thì cần phối hợp tốt với chính quyền. Bên cạnh đó, để phát triển bền vững loại hình du lịch này, các doanh nghiệp cần quan tâm đến yếu tố bảo vệ và tái tạo môi trường tự nhiên.
Dịp này, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tư vấn- Thương mại- Dịch vụ Du lịch cộng đồng Việt Nam về hỗ trợ du lịch cộng đồng nông nghiệp.