Theo dõi trên

Đất và người quê

30/09/2022, 05:55 - Lượt đọc: 1,152

Tôi thả bộ trên con đường làng thấp thoáng vài bóng người, đôi ba vũng nước vẫn còn đọng lại sau cơn mưa nặng hạt, kéo dài của buổi chiều cuối thu khiến cho lòng người có một cảm giác bình yên đến lạ.

screenshot_1664492206.png
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Dường như ký ức thân quen của một thời thơ ấu đang ẩn náu đâu đây. Hàng tre già bên bờ sông cái, đám lục bình trôi nhè nhẹ giữa dòng nước lửng lờ chảy bềnh bồng hay ánh nắng chiều tàn phai sau cơn mưa vẫn đang hiện lên như một lát cắt của thời quá khứ xa xăm, ngọt ngào. Đây là cánh đồng, còn kia là những bờ ao, bãi cát bồi, luống cải, vườn rau và còn đó những cái ao nước xanh rêu tù đọng; có vài chú ếch kêu ộp ộp sau cơn mưa, con cua đực đen ngòm phèo bọt hứng không khí là hình ảnh ghi dấu những kỷ niệm tuổi thơ tôi.



Nông dân quê tôi, quanh năm xoay vòng hết mùa lúa, đến mùa đậu, mùa mè, mùa bắp, mùa khoai; rồi trồng rau màu, đào ao lấy nước tưới và thả cá… Những năm cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước; hết thời bao cấp, mỗi gia đình được Nhà nước cấp từ năm sào đến hơn một mẫu ruộng đất để trồng lúa, trồng màu. Ruộng đất được cấp nhiều hay ít tùy thuộc vào số nhân khẩu hiện có trong từng gia đình. Ba mẹ tôi có 7 người con, cùng với ông bà ngoại trong nhà thì được cấp sáu sào rưỡi đất ruộng trồng hai vụ lúa và một vụ màu. Ngoài ra, đất rẫy thì mênh mông tha hồ khai phá để làm kinh tế gia đình tùy vào sức lao động của mỗi nhà. Đa số người dân quê tôi có đức tính siêng năng hay làm, tham công tiếc việc; ngoài số ruộng được khoán, phần lớn đều khai hoang thêm vài mẫu đất rẫy để trồng dưa lấy hạt, trồng đậu, trồng khoai… Đến mùa thu hoạch xóm làng thường vắng bóng người lớn chỉ còn người già coi nhà và trẻ em đi học. Lúa và nông sản thu hoạch về, chỉ bán một ít để trang trải; đa số cất dành để ăn quanh năm. Ruộng, rẫy nhiều nên trẻ con quê tôi cũng đã tham gia giúp ba mẹ một số công việc phù hợp với từng lứa tuổi sau những buổi học về, hay lúc nghỉ hè. Tuổi thơ tôi lớn lên theo năm tháng cùng với ruộng đồng, nương rẫy. Tôi thường xuyên theo ba mẹ ra đồng nhổ mạ, cày ruộng, bón phân; có lúc lên rẫy làm cỏ, xới đất, trồng hoa màu. Vào chính vụ, cả nhà tôi đều có mặt trên ruộng đồng, các em nhỏ cũng phải theo ba mẹ ra đồng để tiện việc trông coi. Vào vụ mùa, chỉ có bữa cơm chiều thì cả nhà mới được quây quần với nhau bên mâm cơm đạm bạc sau một ngày lao động vất vả.

Những buổi tối đêm trăng, sau một ngày cần cù lao động, các gia đình thường trải chiếc chiếu ra trước sân hoặc bên hiên nhà để ngắm trăng, hóng mát; có gia đình tranh thủ làm một số việc nhẹ phù hợp như “bóc vỏ đậu phộng”, “lẫy bắp”, “mài khoai làm bột”… trong lúc chuyện trò vui vẻ. Những câu chuyện về kinh nghiệm nhà nông cũng được ông bà, ba mẹ truyền cho con cháu trong những lúc như thế này. Bây giờ ngồi nhớ lại, nhiều lúc tôi ngơ ngẩn, tủm tỉm cười một mình.

Tuổi thơ của tôi êm đềm trôi đi bên miền quê tươi đẹp, nơi đã nâng đỡ bước chân tôi qua tháng năm, cho tôi khôn lớn và trưởng thành. Theo thời gian, quê tôi giờ cũng có nhiều đổi thay, con đường đê nhỏ lầy lội mỗi khi có mưa, giờ đã được trải nhựa rộng rãi, xe cộ đi lại dễ dàng. Không còn những ao chôm đầy nước; dòng chảy của bờ sông cũng được thu hẹp bằng các công trình bê tông hóa kênh mương nội đồng. Nơi bãi bồi, gò nổi trẻ nhỏ chúng tôi thường chơi ném đá lia thia khi mùa mưa lũ về giờ đã phủ xanh những vườn thanh long bạt ngàn, tươi tốt. Lớp người cũ như ba má tôi giờ cũng đã già, nhiều người đã về với cõi xa xăm. Đất của ông cha để lại, con cháu đã không giữ mà bán đi rất nhiều; người lạ đến mua đất xây dựng những mái nhà khang trang, đầu tư nhiều công trình đồ sộ. Nhìn quê hương với những bước chuyển mới của nền kinh tế đất nước, làng quê cũng đã chuyển đổi từ nông nghiệp mùa vụ trước đây sang cây công nghiệp lâu năm lòng tôi buồn vui lẫn lộn. Thời gian mải miết trôi mang theo nhiều thay đổi, một nông thôn mới được hình thành đang chuyển mình thay da đổi thịt trên mảnh đất cằn cỗi năm nào. Nhưng với tôi, làng quê vẫn mãi trong trái tim, là nơi tôi luôn mong được trở về.

ĐỖ VĂN CƯỜNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bolero còn mãi
Sau 2 mùa dịch bị gián đoạn mọi hoạt động, “Tình khúc Bolero” mùa 4 – 2022 đã chính thức trở lại. Đây là cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018, đã gây được tiếng vang, tạo bước ngoặt và cái nhìn cởi mở hơn trong các cuộc thi âm nhạc từ trước đến nay tại tỉnh nhà. Mùa 4 của “Tình khúc Bolero” đã trở lại, hứa hẹn sẽ là sân chơi hấp dẫn, nhiều màu sắc được những người yêu thích dòng nhạc này tham gia.
Nổi bật
Đồng chí Dương Văn An giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020 - 2025
Sáng 18/3/2024, tại Vĩnh Phúc, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, công bố Quyết định của Bộ Chính trị điều động, chỉ định đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đất và người quê