BTO- Trong nhiều năm trước đây, canh tác theo dạng tận thu của nông hộ, không có sự bồi bổ lại độ phì nhiêu cho đất, có bồi bổ lại cũng chỉ ở mức thấp và sử dụng phân khoáng nhiều vụ làm cho đất canh tác nghèo kiệt chất mùn, thêm vào đó không có biện pháp khi canh tác ở đất dốc nên chất dinh dưỡng bị rửa trôi. Sử dụng đất canh tác lâu bền và ngày một phì nhiêu hơn là việc làm cần thiết nhất đối với vùng đất cát, đất cát pha nghèo dinh dưỡng. Luân canh mùa vụ, thâm canh cây trồng và thay đổi cơ cấu giống cây trồng là biện pháp giúp cho vùng đất canh tác tăng độ phí nhiêu, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Đồng thời phụ phế phẩm thu được, chế biến thành nguồn thức ăn dự trữ cho trâu, bò, dê … trong mùa khô hạn. Chính vì thế, Trung tâm khuyến nông Bình Thuận thực hiện mô hình: thâm canh cây đậu phộng trên vùng đất cát, đất cát pha nghèo dưỡng chất tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình.