Theo dõi trên

Ngọt bùi Lâm Lộc

19/05/2023, 05:43

Nói đến “ngã ba Cầu Nam”, giới vận tải đường bộ từ Bắc chí Nam, hầu như ai cũng biết - một thời lừng lẫy.

Đó là điểm dừng chân đầy cảm xúc, khó quên để họ chuẩn bị bước vào những cung đường mới với một bên liên tiếp các nổng cát “bắt chéo” ra quốc lộ cùng với những ngọn núi lô nhô khối đá trắng giữa mảng xanh của cây rừng, bên còn lại biển rộng mênh mông. Dường như để giúp người sắp bước vào cuộc hành trình hiểm trở hơn, ngay cái ngã ba ấy mời tặng một thứ đặc sản có thể mang lại tâm thái nhẹ nhàng, đó là đậu phộng Lâm Lộc - một loại đậu đầy dư vị ngọt bùi.

lac_pyen.jpg

Cho đến giờ dưới tác động mạnh mẽ của các trào lưu ẩm thực, Lâm Lộc (Hòa Minh, Tuy Phong) có nhiều món ăn mới, sang hơn nhưng đến bữa dù là sáng, trưa hay chiều, trên bàn của nhiều gia đình vẫn không thiếu vắng dĩa đậu phộng luộc. Nó gắn bó mật thiết, thương thuộc với nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời.

Đậu ở đây hình dáng nhỏ; có 2 loại: sẻ và mỡ. Đậu sẻ có vân trên vỏ hơi nổi còn vỏ đậu mỡ thì gần như trơn láng, chứ không “gân guốc” như đậu phộng xứ khác. Vỏ đậu có màu vàng kem như màu cát của vùng đất này. Hạt đậu sẻ mềm, bùi; còn đậu mỡ khi luộc bên trong có nước, ăn vào ngọt, béo. Cả 2 loại đều có mùi thơm đặc trưng. Ở vùng đất mà bên trên là số giờ nắng nóng dài nhất nước, dưới lòng đất lại ít nhiều được “tưới tẩm” bởi nguồn suối khoáng nên đậu phộng Lâm Lộc khác biệt là điều có thể hiểu.

Dù được luộc tại nhà hay mua ở các điểm bán, dĩa đậu luôn trộn lẫn giữa sẻ và mỡ. Vì vậy khi nhấp nháp lúc mềm bùi, lúc béo ngọt mang lại cảm giác rất thú vị cho người thưởng thức.

Đậu phộng từng là cây trồng chủ lực của nhà nông xã Hòa Minh. Khi trời vừa rải những hạt nước đầu mùa, đất có độ ẩm, nông dân hối hả xuống giống.

Ông Trần Đăng Nam, thời trẻ gắn bó với việc sản xuất, một người am hiểu cho biết, đậu Lâm Lộc tạm chia ra 2 vùng trồng. Vùng bên trái quốc lộ 1 A (hướng từ trong nam ra) do cạnh sông Đồng, đất “im” nên trồng được 2 mùa/năm, diện tích phần lớn tập trung ở đây; vùng này gọi là vùng đất Lán; bên phía ngược lại gọi là vùng Cụp do đất cằn hơn nên chỉ trồng được 1 mùa/năm. Đậu phộng là nguồn thu nhập chính khi sản phẩm làm ra đem bán cho nhiều nơi quanh vùng và cả thành phố Hồ Chí Minh.

Vùng đất khắc nghiệt chỉ toàn cát với cát buộc phải tiết kiệm nên khi thu hoạch, có người giữ lại trong nhà một ít dự phòng đến mùa bấc, cá mắm khan hiếm, họ chế biến món muối đậu như một món mặn cho bữa cơm gia đình. “Nhà tôi sống từ nguồn thu nhập do đậu phộng mang lại. Cha mẹ nuôi anh em tôi từ nhỏ lúc mới sinh ra đến khi trưởng thành đều từ hạt đậu; cả dùng làm thực phẩm đến bán lấy tiền mua gạo cho tới các khoản chi tiêu khác cũng như không quên tích lũy”, chị Nguyễn Thanh Liêm bày tỏ niềm cảm ơn đối với thứ nông phẩm nhỏ nhưng lớn này.

“Một thời cây đậu phộng gắn bó mật thiết trong đời sống của chúng tôi”, ông Trần Đăng Nam khẳng định thêm và tiếp tục câu chuyện: “Cái ăn cái mặc là vậy. Còn cái chơi, nhớ lại cũng đầy nỗi niềm. Đó là thời bao cấp, mỗi khi có đoàn chiếu phim lưu động về phục vụ, có người rang đậu nguyên vỏ, gói vào trong tờ giấy báo từng lọn, từng lọn hình chóp, để lên cái sàn cùng cây đèn “hột vịt” mang đến điểm chiếu phim bán, mong kiếm thêm ít tiền trang trải sách vở cho con. Còn trước đó nữa, thời kháng chiến, người hoạt động cách mạng trong bí mật, trong căn cứ thì đậu phộng, muối đậu là một loại lương khô đủ chất”.  

Bà Mai Thị Cúc có khối u, khi được phát hiện, bệnh viện chuyên khoa can thiệp bằng phẫu thuật. Ngày bà xuất viện, bác sĩ khuyên về nhà áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, tránh biến động tâm tư. Đọc tài liệu thấy, đậu phộng ngăn ngừa tốt mầm mống ung thư, bà Cúc dùng đậu luộc thay cơm cho bữa trưa. Kiên trì liên tục hơn 20 năm ăn đậu phộng luộc, không chỉ khối u trong người không tái phát mà tim mạch của bà cũng cải thiện hơn trước rất nhiều. “Tôi coi đậu phộng là “thần dược” giữ lại mạng sống cho mình đến ngày hôm nay”, bà Cúc bày tỏ.

Ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết, năm 2015, xã Hòa Minh còn được 85 ha; năng suất 8,5 tấn/ha. Nhưng do tác động của thời tiết, đất đai thoái hóa, hiện giờ chỉ còn khoảng 30 ha; năng suất cũng kém đi. Dù ngành nông nghiệp nỗ lực đưa giống mới, năng suất cao nhưng qua thời gian cho thấy, giống mới không phù hợp với thổ nhưỡng, giá cả lại không có lợi nên người trồng quay về sử dụng giống cũ. “Sử dụng trở lại giống cũ cũng có cái hay do đậu ngon, có hương vị đặc trưng. Trước mắt, nhận thấy người dân từng bước đưa đậu phộng trở lại quán ăn, bàn tiệc ở nhà hàng. Tuy nhiên do du lịch chưa phát triển nên sự thay đổi chưa được rõ nét. Hy vọng, nhiều người biết đến giá trị của đậu trong thời gian tới”, Chủ tịch huyện Tuy Phong giãi bày.

Hướng đến của huyện có cơ sở khi Hòa Minh xuấn hiện “đốm sáng”. Với suy nghĩ, đậu phộng xứ mình có nét vượt trội, chị Lê Thị Xuân Thảo mua đậu mang vô một cơ sở ở tận Đức Linh ép lấy dầu. Chị mang về bán và từng bước đưa lên sàn thương mại điện tử sản phẩm “dầu phộng Lâm Lộc”. Chị Thảo hé lộ: “Ngày bé, nhà tôi mua dầu phộng của một người bán dạo về dùng. Hỏi ra thì biết, dầu đó từ nơi khác mang đến, không phải làm từ đậu phộng Lâm Lộc. Tôi nghĩ, đậu phộng ở mình ngon như vậy sao không làm ra dầu để bán. Và tôi cố gắng thực hiện”.

Nếu so với các vùng lân cận như Phan Rí, Hòa Đa, Duồng thì Lâm Lộc không được “thiên nhiên ưu đãi” bằng. Nhưng biết đâu, bù lại, tính kiên trì, lòng nhẫn nại, những luống đậu phộng tưởng chừng cằn cỗi trên dải cát của những nông phu đủ ngọt bùi trong mối quan hệ nhân sinh nên sự phôi pha theo thời gian được xem như một “khoảng lặng” cần thiết nhằm âm thầm chắt lọc thứ phù sa hiếm hoi từ các mạch nước ngầm ven nổng Chà Cang cho một ngày… rạng rỡ những nụ hoa.

ĐOÀN HỮU


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Để người cao tuổi được sống khỏe, sống vui, hạn chế bệnh tật là điều mong muốn không chỉ của người cao tuổi, mà còn là mong muốn của cả gia đình và xã hội.
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngọt bùi Lâm Lộc