Tại Bình Thuận, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2022 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh về giao kế hoạch vốn đầu tư công là 4.857.680 triệu đồng. Tới thời điểm cuối tháng 7 vừa qua, toàn tỉnh đã thực hiện giải ngân được 2.014.908 triệu đồng, đạt 41,48% kế hoạch Chính phủ giao đầu năm.
Trong đó vốn ngân sách Trung ương trong nước đã giải ngân 988.530 triệu đồng (bằng 57,73% kế hoạch), ước giải ngân đến ngày 31/1/2023 đạt 100% kế hoạch. Cùng thời gian, vốn xây dựng cơ bản tập trung trong nước được địa phương giải ngân 222.633 triệu đồng (bằng 45,6% kế hoạch), ước đến ngày 31/1/2023 cũng đạt 100% kế hoạch. Đối với vốn từ nguồn thu sử dụng đất và vốn xổ số kiến thiết, tính chung 7 tháng năm nay giải ngân lần lượt được 381.795 triệu đồng (bằng 34,7% kế hoạch) và 379.728 triệu đồng (bằng 28,55% kế hoạch), dự ước đến mốc thời gian 31/1/2023 cũng đều đạt 100% kế hoạch… Trong khi đó, vốn ngoài nước (ODA) hiện giải ngân được hơn 36.570 triệu đồng, nếu chỉ tính vốn năm nay là 111.097 triệu đồng (sau khi địa phương trả lại 73.637 triệu đồng), thì nhiều khả năng đến cuối tháng 1/2023 vẫn sẽ đạt 100% kế hoạch.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Bình Thuận trong hơn nửa đầu năm 2022 là rất đáng ghi nhận. Điều này cũng cho thấy việc phân bổ vốn đầu tư công năm 2022 tại địa phương đảm bảo tập trung, không phân tán, dàn trải và được thực hiện đồng bộ cũng như triển khai quyết liệt các giải pháp liên quan. Như chỉ giao kế hoạch vốn đối với những dự án đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí đủ vốn cho các dự án đã phê duyệt quyết toán, các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm để phát huy hiệu quả đầu tư. Hoặc ưu tiên bố trí vốn để thực hiện đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả các dự án quan trọng, dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững… Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, vốn còn lại bố trí cho trường hợp khởi công mới đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư, trong đó ưu tiên công trình có tính chất liên vùng, giao thông, thủy lợi cấp bách, phòng chống thiên tai, xử lý sạt lở bờ biển, cấp nước sinh hoạt, y tế, giáo dục…
Bước vào những tháng cuối năm, địa phương vẫn xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Theo đó, UBND tỉnh sẽ tiếp tục phân công lãnh đạo các sở ngành, chính quyền địa phương, chủ đầu tư chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án theo kế hoạch đề ra. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức vi phạm pháp luật và cố tình cản trở, làm chậm tiến độ công trình, dự án…
Bên cạnh đó cũng thường xuyên tổ chức đánh giá tiến độ thực hiện, trường hợp không thực hiện đúng tiến độ thì chủ đầu tư phải đề xuất điều chuyển nội bộ vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm kế hoạch hoặc trả lại kế hoạch vốn đối với dự án không có khả năng giải ngân. Còn công trình đã có khối lượng thực hiện, chủ đầu tư cần khẩn trương nghiệm thu, làm thủ tục thanh toán vốn, không để dồn vào cuối năm mới thanh toán, gây áp lực ngân sách…
Trường hợp dự án vướng đền bù, giải phóng mặt bằng thì yêu cầu chủ đầu tư phải tích cực, chủ động phối hợp sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh công tác kiểm kê, xác định tính pháp lý, áp giá đền bù cho tổ chức, cá nhân nhằm sớm bàn giao mặt bằng, thúc đẩy tiến độ thi công… Riêng dự án ODA, chủ đầu tư cũng cần chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương, nhà tài trợ để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về hồ sơ, thủ tục hướng đến sớm giải ngân hết kế hoạch vốn được phân khai.