Những ngày này, tại khu vực Cửa Cạn, nông dân cần mẫn trên cánh đồng xử lý sân muối sạch láng và đưa nước biển vào ngâm và phơi nắng trong các ao chứa. Rồi nhờ cái nắng chang chang ấy mà hạt muối kết tinh từ công sức, sự khéo léo, tính toán thật kỹ của diêm dân. Mùa muối ở Tân Thuận bắt đầu từ tháng 10 cho đến chừng tháng 4, 5 (âm lịch) tùy vào thời tiết. Mỗi năm vùng muối thôn Thanh Phong chỉ sản xuất một vụ. Kết thúc vụ muối cũng bắt đầu vào mùa mưa, là lúc thời tiết không thuận lợi để làm muối nên nhiều đồng muối ở đây người dân lại tiến hành cải tạo ruộng để chuyển sang nuôi tôm, nuôi cá.
Sản xuất muối ở Tân Thuận.
Anh Hồ Đức Sơn, diêm dân có thâm niên hơn 20 năm làm muối cho biết: “Gia đình tôi làm 3ha muối trải bạt sản lượng muối thu hoạch hàng năm chừng 600 – 700 tấn. Năm nay, giá muối dao động ở 1.000 – 1.200 đồng/kg cao hơn so với mọi năm nhưng thời tiết bất lợi, muối đang giai đoạn kết tinh thì gặp mưa trái mùa nên sản lượng giảm. Đến mùa mưa giá muối tăng lên 2.000 đồng/kg nhưng ngư dân không còn muối để bán”. Trước đây, anh Sơn cũng như những diêm dân khác làm muối đất rồi chuyển sang làm muối trải bạt được 4 năm nay. Tuy chi phí đầu tư ruộng muối không quá cao nhưng để có được hạt muối thì rất tốn công từ khâu làm ruộng, đắp bờ đến khâu cào thu hoạch, bốc vác, nặng nhất là chi phí trải bạc khoảng hơn 100 triệu đồng/ha sử dụng trong thời gian từ 3-4 năm. Theo anh Sơn, với giá muối như hiện nay 1.200 đồng/kg nhưng không ổn định, có lúc bấp bênh chỉ 500 - 900 đồng/ kg, diêm dân chỉ đủ tiền công chứ không có lãi. Cái nghề luẩn quẩn được mùa mất giá, khiến diêm dân cứ lận đận, những hộ dân tự làm muối giảm dần diện tích.
Toàn xã Tân Thuận hiện có khoảng 40 ha sản xuất muối. Sản lượng mỗi năm ước tính đạt khoảng 6.000 tấn cung ứng ra thị trường. Nghề làm muối đem lại thu nhập khá ổn cho người dân để giúp họ ổn định cuộc sống. Ngoài các hộ dân sản xuất muối lẻ ở xã còn có Hợp tác xã muối Thanh Phong hiện có 151 xã viên sản xuất 24,5 ha muối.
Anh Đậu Văn Toại – Giám đốc Hợp tác xã muối Thanh Phong chia sẻ: “Nghề làm muối phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, mấy năm nay thời tiết không thuận lợi nên sản lượng có giảm, năm nay sản lượng muối đạt 1.800 tấn. Muối làm ra bán chủ yếu cho các công ty nước mắm, hải sản ở Phan Thiết, thị xã La Gi”. Cũng theo anh Toại, hiện nay tất cả các xã viên đều đã áp dụng sản xuất muối trải bạt đang có giá trên thị trường, thay dần cách làm thủ công làm muối trên đất nền đã giúp sản lượng muối tăng lên 1,2 lần. Chi phí trải bạt chừng 500 triệu đồng/24,5 ha, sử dụng được 3-4 năm. 3 năm nay, các thành viên HTX muối Thanh Phong chia thành 10 tổ sản xuất, mỗi tổ khoảng chừng 1,2 ha theo hình thức khoán để sản xuất, giảm một số khâu trung gian, việc sản xuất muối cũng hiệu quả hơn, tăng sản lượng và lợi nhuận. “Ngoài yếu tố thời tiết, khó khăn hiện nay người dân mong muốn có thêm nguồn vốn vay hỗ trợ để đầu tư sản xuất giữ nghề truyền thống”, anh Toại cho biết thêm.
Theo UBND xã Tân Thuận, để hỗ trợ người dân thời gian tới định hướng của xã nỗ lực phối hợp cơ sở chế biến muối trong, ngoài tỉnh hỗ trợ diêm dân sản xuất muối sạch theo chuỗi, gắn tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị hạt muối, từng bước tăng thu nhập cho diêm dân ổn định cuộc sống. Cùng với đó, ngoài làm muối nông dân còn kết hợp nuôi tôm, nuôi cá trên diện tích sản xuất muối tăng thu nhập.