Theo dõi trên

Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Đức Linh không ngừng được nâng lên

16/10/2024, 05:43

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Nhà nước cùng sự chủ động vươn lên của nhân dân đã thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp tục phát triển. Đời sống của đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện, nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần, văn hóa truyền thống tiếp tục được giữ gìn và phát huy…

Tập trung nguồn lực đầu tư

Đức Linh có 82 thôn, khu phố nằm trên địa giới hành chính của 10 xã và 2 thị trấn với tổng dân số trên 127.000 người/35.800 hộ. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm 3,35% dân số toàn huyện, sống tập trung chủ yếu ở 3 thôn: thôn 4, xã Trà Tân (dân tộc Châu Ro với 337 hộ/1.354 khẩu), thôn 7, xã Đức Tín (dân tộc Châu Ro với 274 hộ/1.396 khẩu) và thôn 9 xã Mê Pu (dân tộc K’ho với 106 hộ/443 khẩu), các dân tộc khác sinh sống ở các xã, thị trấn là 319 hộ/941 khẩu.

thon-chau-ro.jpg
Làng dân tộc Châu Ro ở thôn 4, xã Trà Tân. Ảnh: Lê Phúc.

Xác định phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương, 5 năm qua, huyện Đức Linh triển khai nhiều giải pháp đối với vùng đồng bào DTTS với những nội dung cụ thể, sát với tình hình thực tế của địa phương. Huyện cũng tập trung các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ đồng bào DTTS nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đức Linh còn phối hợp tổ chức nhiều đợt công tác dân vận cơ sở tại các xã vùng đồng bào DTTS với các nội dung thiết thực, hiệu quả.

ngay-hoi-van-hoa-cac-dan-toc-huyen-duc-linh-anh-n.-lan-1-.jpg
Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đức Linh (ảnh N. Lân).

Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hỗ trợ nhiều chính sách đối với đồng bào DTTS để phát triển kinh tế - xã hội, Ban Dân tộc tỉnh đã hỗ trợ mô hình chăn nuôi trâu trên địa bàn huyện là 48 con/48 hộ với tổng số tiền 720 triệu đồng. Theo đó, xã Trà Tân (18 con/18 hộ), xã Mê Pu (15 con/15 hộ), xã Đức Tín (15 con/15 hộ). Đến nay đàn trâu vẫn sinh sản và phát triển tốt. Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, huyện đã tiến hành cắm mốc, phân giới diện tích đất rừng đã được cấp để giao cho bà con có đất sản xuất trên diện tích 177 ha. Bên cạnh, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào được quan tâm đẩy mạnh, nhờ đó, tạo điều kiện cho đồng bào yên tâm sản xuất, tích cực đầu tư phát huy hiệu quả sử dụng đất được cấp, từng bước ổn định cuộc sống. Trên diện tích đất được giao, bà con đã trồng lúa và trồng các loại cây lâu năm như điều, cà phê, cao su. Tận dụng diện tích trên, bà con còn trồng thâm canh các loại cây ngắn ngày như bắp, mì, các loại đậu… các sản phẩm tạo ra thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

thu-hoach-bap-lai-o-me-pu-anh-n.-lan-.jpg
Bà con xã Mê Pu thu hoạch bắp lai. Ảnh N. Lân.

Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội

Cùng với đó, các chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực luôn được huyện quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ. Trên cơ sở kinh phí được giao, UBND huyện kịp thời phân bổ để các ngành, các xã triển khai thực hiện nhằm phát triển toàn diện về kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS, góp phần xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng khác ở địa phương. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện 9 dự án với tổng nguồn vốn đầu tư trên 11,4 tỷ đồng. Năm 2022, xã Trà Tân - địa phương đầu tiên của huyện và của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đặc biệt, trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, huyện đã chủ động nhiệm vụ giảm nghèo gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm và an sinh xã hội, nhờ vậy hạn chế tái nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các nhóm dân cư trên địa bàn huyện. Qua rà soát theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 thì năm 2019, hộ nghèo DTTS ở Đức Linh là 44 hộ/108 khẩu (chiếm 6,40%), hộ cận nghèo DTTS là 84 hộ/330 khẩu (chiếm 4,74% so với hộ cận nghèo toàn huyện). Đến cuối năm 2023, khi việc rà soát hộ nghèo được thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 thì số hộ nghèo DTTS là 48 hộ/155 khẩu chiếm 5,9%, hộ cận nghèo DTTS là 43 hộ/132 khẩu chiếm tỷ lệ 4,82%.

UBND huyện Đức Linh khẳng định, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp đã tạo động lực cho người dân phấn đấu. Đời sống, vật chất, tinh thần của người dân ngày được nâng cao, ngày càng có nhiều mô hình sản xuất giỏi trong đồng bào DTTS, thu nhập bình quân đầu người tăng theo hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS giảm dần. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, tinh thần đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được giữ vững, không để xảy ra điểm nóng, hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

TẤN THÀNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Thuận Bắc: Sôi nổi hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc
BTO-Ngày 28/9, huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc huyện năm 2024. Dự hội thi có đại diện lãnh đạo huyện, phòng, ban có liên quan và các xã đồng bào bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Đức Linh không ngừng được nâng lên