Theo dõi trên

Đồng bào dân tộc thiểu số Hàm Thuận Nam năm 2024: Đã thấy thay đổi nếp nghĩ, nếp làm

03/07/2024, 05:10

“Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, hội nhập và phát triển” là khẩu hiệu mà Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Hàm Thuận Nam vừa diễn ra trong cuối tháng 6/2024. Khoảng 150 đại biểu đại diện cho 18 dân tộc anh em sinh sống trong toàn huyện đã tề tựu về gặp gỡ, giao lưu, góp phần làm không khí đại hội thêm phần phong phú, đa dạng với những bộ trang phục đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa.

Bộ mặt nông thôn đổi mới

Hàm Thuận Nam là huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận với hơn 120.000 người, có 18 đồng bào DTTS với 6.045 khẩu/1.726 hộ. Trong đó chiếm đa số là đồng bào dân tộc Rai với 4.088 khẩu/1.127 hộ, sống chủ yếu ở 2 xã vùng cao Hàm Cần và Mỹ Thạnh. Ngoài ra, còn có các dân tộc: Khơ me, Tày, Hoa, Nùng, Ngái, Thổ, Mãn, Thái, Mường, Cơ tu, K Ho, Châu Ro, K dong, Sán Dìu, Cơ Tu, Dao. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện.

411c903cf59556cb0f84.jpg
Các đại biểu dự Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện.

Bà Đinh Thị Hiếu (70 tuổi – người H’rê) ở xã Tân Lập, là đại biểu lớn tuổi nhất trong kỳ đại hội này. Bà chia sẻ: “Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp, đời sống vùng đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất lẫn tinh thần của bà con được cải thiện rõ rệt. Vinh dự là đại biểu lớn tuổi nhất tham gia kỳ đại hội này, tôi tin tưởng và hy vọng sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, cũng như đồng hành cùng bà con để vùng đồng bào các DTTS trong huyện thay da đổi thịt toàn diện về nhiều mặt, không còn hộ đói, nghèo”.

z5591434945592_8f61dc89f18a5ec142059fb50569743d.jpg
Đại biểu DTTS lớn tuổi nhất tham dự đại hội.

Về xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh thời gian này, khi trời đã đổ nhiều cơn mưa lớn nhỏ, mảng xanh từ rẫy thanh long, cao su, trôm và có cả những vườn xoài trĩu trái đã được đậm màu lên. Ngoài 1 vụ bắp, vụ lúa, thời gian qua chính quyền địa phương đã hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tận dụng nguồn nước mạch, nước ngầm hiệu quả nhất trong mùa khô. Tính đến nay, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào DTTS của huyện là hơn 3.600 ha, trong đó Hàm Cần hơn 2.760 ha; Mỹ Thạnh 488,618 ha; Tân Thuận 390 ha và Tân Lập 48 ha. Và mỗi nơi này, bà con có những may mắn, rủi ro riêng tùy vào điều kiện thời tiết. Nhưng trong khó khăn ấy cho thấy có sự nỗ lực. Trong giai đoạn 2019 - 2024, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Còn bà con vùng đồng bào DTTS đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bước đầu tạo ra sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế. Một số hộ đã bắt đầu trồng một số loại cây giống mới có năng suất cao, như cây bắp lai, thanh long, cây điều ghép cao sản, bí đỏ, đậu xanh, lúa xác nhận…

trong-thanh-long-xuat-khau-o-ham-thuan-nam-2-topaz-denoise-enhance-faceai-sharpen.jpeg
Bà con xã Hàm Cần chăm sóc thanh long.

Hộ nghèo tiếp tục giảm

Không chỉ vậy, bằng các nguồn vốn ngân sách của Trung ương, tỉnh và của huyện, kết quả đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn 2 xã Hàm Cần và Mỹ Thạnh giai đoạn 2019 - 2024 là 52 công trình với tổng vốn đầu tư hơn 239 tỷ đồng. Nhiều tuyến đường từ trung tâm xã đến thôn và đường liên thôn, đường vào các khu sản xuất tập trung của 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh đã được đầu tư kiên cố hóa và sửa chữa, nâng cấp. Nhìn chung, đời sống của đồng bào DTTS đã ổn định và từng bước được nâng lên về mọi mặt; khoảng cách về mức sống giữa các vùng và các dân tộc đã giảm nhiều, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Giai đoạn 2021 – 2023, toàn huyện đã giảm được 101 hộ nghèo là đồng bào DTTS (năm 2021 có tổng số 435 hộ nghèo, đến cuối năm 2023 còn lại 344 hộ). Ông Mang Vĩnh – thôn 2 - xã Mỹ Thạnh chia sẻ: “Hầu hết đồng bào DTTS đều phấn khởi và tin tưởng vào đường lối chính sách của đảng và nhà nước. Đặc biệt, thời gian gần đây đã làm chuyển biến nhận thức của đồng bào trong cách nghĩ, cách làm. Nhờ đó một số hộ đã tự chủ vươn lên trong lao động sản xuất, là điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương”.

thu-hoach-bap-lai-o-xa-ham-can-ham-thuan-nam-anh-n.-lan-.jpg
Thu hoạch bắp lai.
chan-nuoi-bo-o-xa-ham-can-ham-thuan-nam-anh-n.-lan-1-.jpg
Bà con DTTS đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Ông Đặng Văn Thái – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hàm Thuận Nam cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, để các dân tộc đoàn kết, hội nhập và phát triển, mong rằng các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và đồng bào các dân tộc chú trọng tổ chức thực hiện các chính sách, nhằm cải thiện hơn nữa đời sống đồng bào các DTTS. Khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, đồng bào các DTTS phải tiếp tục không ngừng phấn đấu vươn lên, thay đổi nếp nghĩ, nếp làm, đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống”.

Mục tiêu thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của huyện giai đoạn 2024 – 2029: Phát huy truyền thống và sức mạnh đoàn kết của đồng bào các DTTS. Tập trung thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng hoàn chỉnh, chuẩn hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện. Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội…

MINH VÂN, ẢNH: N. LÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kết nghĩa phù hợp thực tế từng địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Sáng 4/4, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh chủ trì Hội nghị trực tuyến đến các địa phương tổng kết 10 năm (2013 - 2023) thực hiện chủ trương kết nghĩa với các xã thuần, thôn xen ghép vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Cùng dự họp còn có các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, UBND tỉnh, lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng bào dân tộc thiểu số Hàm Thuận Nam năm 2024: Đã thấy thay đổi nếp nghĩ, nếp làm