Theo dõi trên

Dòng sông trong những ca khúc

09/09/2022, 05:55

Đã từ xa xưa lắm, những dòng sông là những mạch nguồn quý giá, đem lại những dòng nước mát, tưới tắm cho cây trái, ruộng đồng. Rất nhiều làng mạc, thành phố được hình thành từ hai bên bờ sông. Từ đời sống, sông đi vào thơ, vào nhạc. Đã có rất nhiều nhạc phẩm có hình ảnh, những câu chuyện về những dòng sông.

Những dòng sông gắn với những vùng đất, những nét văn hóa, những chiến công

Trường ca sông Lô của nhạc sĩ Văn Cao đã ghi lại hình ảnh những chiến công của những chiến sĩ pháo binh Việt Nam ta chiến thắng thực dân Pháp nơi núi rừng Việt Bắc: “Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u/ Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu…”.

ho-song-quao-1.jpg

Nhạc sĩ Xuân Giao đã sáng tác ca khúc Chào sông Mã anh hùng. Bài hát là một khúc ca hào hùng, đầy niềm tự hào về một dòng sông với những người con của quê hương kiên cường chống giặc: “Sừng sững bóng cầu Hàm Rồng/ Soi bóng dòng sông Mã chảy mênh mang/ Ơi quê ta bao yêu thương/ Vang nước sông tiếng hát anh hùng”.

Thêm một ca khúc khác có hình ảnh của một dòng sông: Vàm Cỏ Đông (lời thơ: Nhà thơ Hoài Vũ, nhạc: Nhạc sĩ Trương Quang Lục). Bài hát nói lên tiếng lòng của những người con miền Đông Nam bộ vững lòng trong kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ: “Vàm Cỏ Đông đây, Vàm Cỏ Đông đây/ Ta quyết giữ từng mái xuồng tấm lưới cây dầm/ Từng con người làm nên lịch sử/ Và dòng sông trong mát quanh năm”.

Nhạc phẩm Ai ra xứ Huế của nhạc sĩ Duy Khánh là một ca khúc được rất nhiều khán thính giả yêu thích. Nhạc sĩ đã đưa hình ảnh của dòng sông Hương thơ mộng vào bài, cùng với những giai điệu êm ái, ngọt ngào của những câu hò xứ Huế: “Ai ra xứ Huế thì ra/ Ai về là về núi Ngự/ Ai về là về sông Hương/ Nước sông Hương còn thương chưa cạn/ Chim núi Ngự tìm bạn bay về/ Người tình quê, ơi người tình quê, thương nhớ lắm chi?”.

Còn ở Đất nước trọn niềm vui, một ca khúc được đông đảo người dân Việt ngân nga, nhạc sĩ Hoàng Hà đã nói hộ tiếng lòng hồ hởi của biết bao người, ngày non sông thống nhất: “Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam/ Tổ quốc anh hùng”.

Nhạc sĩ - nhà giáo Lê Hoàng Chung, trong nhạc phẩm Tình ca Phan Thiết đã nhắc đến dòng sông Mương Mán (Cà Ty) yên ả, hiền hòa: “Dòng sông Mương Mán ru, nước trôi tiếng ngọt ngào. Đây lầu nước bóng nghiêng lặng nhìn chim én gọi đàn”.

Nhạc sĩ, nhà thơ Đỗ Quang Vinh, một người con của quê hương Bình Thuận, đã sáng tác ca khúc Sông Quao – Khúc hát ngày về. Ca khúc thể hiện niềm vui của người dân Bình Thuận khi quê mình có công trình thủy lợi mới, hữu ích biết bao cho đời sống, lại thơ mộng, đáng yêu. Ca từ trong bài có đoạn: “Sông Quao, dòng nước xôn xao dâng trào… Những tâm tình trong đất, hòa nhịp tiếng máy reo… Em hát về ngày qua hay hát về tình ta?”.

Những dòng sông gắn với bao kỷ niệm, những chuyện tình

Khúc hát sông quê, dưới sự sáng tạo của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, đã là một nhạc phẩm dạt dào tình cảm, ý và lời thơ rất đẹp, đã chạm vào tận sâu thẳm đáy lòng của biết bao người yêu nhạc, yêu quê: “Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê/ Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ/ Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn”.

Đã có hình ảnh của một dòng sông như dải lụa vàng xuôi ra biển lớn: “Dưới trăng, dòng sông trôi rất dịu dàng/ Như dải lụa vàng xuôi về phương Đông” (Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang – Vũ Đức Sao Biển).

Với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những người tình rời xa người mình yêu dấu như những dòng sông xuôi dòng. Và với những dòng sông ấy, những cơn mưa như là lời hẹn ngày trở lại: “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ/ Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa” (Cát bụi tình xa).

Có những dòng sông, chứng kiến những cách trở, người đầu sông, người cuối dòng. Để rồi, lòng những người yêu nhau ấy, bâng khuâng, biết tỏ cùng ai? “Đôi ta, đứa đầu sông cuối sông/ Bao nhiêu cách trở mình em ơi/ Đôi khi thấy lòng mình bâng khuâng/ Biết ngỏ lời cùng ai, nghĩ rồi câm nín hoài” (Yêu một mình – Trịnh Lâm Ngân).

Có khi, nơi những người yêu nhau gặp gỡ, có dòng sông trôi lững lờ, có tiếng ca vui sáng cuộc đời: “Nơi anh gặp em nước sông trôi thảnh thơi/ Tiếng ca mang đời vui/ Cánh chim bay lượn trên lưng trời” (Nơi anh gặp em – Hoàng Hiệp).

Nhạc sĩ Trần Hoàn đã sáng tác nên ca khúc Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh nổi tiếng, mà trong ca khúc ấy, có những ngọt ngào, tha thiết của điệu hò sông nước của quê hương: “Điệu hò sông nước tha thiết tình đất nước/ Đậm nghĩa tình sau trước với bạn bè năm châu”.

Cùng với biết bao ca khúc khác có hình ảnh, có dáng vẻ, có cả những chuyện tình mà những dòng sông đã từng là những chứng nhân.

Những dòng sông của quê hương vẫn cứ mải miết xuôi dòng. Còn những con người, đã từng gắn bó với những dòng nước mát ấy, mãi hoài nhớ khi đi xa, vẫn xuyến xao khi về thăm lại. Có lẽ, sau mái nhà, thì dòng sông quê hương là nơi lưu giữ những ký ức đậm nét của không ít người về nơi mình sinh ra, lớn lên. Dẫu có nơi, là dòng sông tĩnh lặng, có nơi, lại náo nhiệt, rộn ràng.

Hy vọng rằng kho tàng tình ca Việt sẽ còn tiếp tục đón chào những sáng tác mới của nhiều thế hệ tiếp sau, với biết bao giai điệu, cùng những hình ảnh đẹp tươi, thơ mộng, và cả những ký ức, kỷ niệm khó phôi pha về những dòng sông.

BÌNH AN


(1) Bình luận
Bài liên quan
Tiếng thân thương tại lễ khai giảng năm học mới
Năm học 2022 - 2023 đã chính thức bắt đầu với không khí vui tươi, phấn khởi của thầy và trò ở các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh. Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã La Gi) với hơn 1.700 học sinh cũng chào đón năm học mới bằng buổi lễ khai giảng long trọng vào sáng ngày 5/9 vừa qua…
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dòng sông trong những ca khúc