Tiếp xúc với chủ các khu nghỉ dưỡng trong và ngoài nước ở Hàm Tiến – Mũi Né, La Gi, Tuy Phong... chúng tôi nhận được nhiều vấn đề trăn trở ở họ. Nổi rõ nhất là ô nhiễm môi trường, tình trạng còn vài nơi rác thải nhếch nhác, nhất là khu vực ven biển, nơi du khách thường xuyên lui tới. Bởi vấn đề này còn tồn tại ngày nào thì ngày đó khó thu hút khách ở thị trường khó tính như châu Âu và các nước phát triển khác vốn xem trọng bảo vệ môi trường. Còn nhớ năm qua, một ông chủ resort, người nước ngoài đề nghị giấu tên ở Long Sơn – Suối Nước, phường Mũi Né, Tp. Phan Thiết liên hệ với chúng tôi phản ánh vấn đề rác. Ông đã gửi rất nhiều hình ảnh và clip về rác ở Hàm Tiến – Mũi Né qua Zalo với mong muốn chính quyền địa phương lưu ý. Những hình ảnh ấy, ông tự mình đi chụp và quay lén sau nhiều giờ rình rập người chở rác đổ lề đường Võ Nguyên Giáp trong đêm tối. Hành động ấy một phần xuất phát từ khách đến nghỉ dưỡng ở cơ sở mình trước đó đã phản ánh. Đây cũng là nỗi trăn trở chung của các resort khác khi thường xuyên nghe du khách ý kiến sau khi du lịch Bình Thuận.
Bãi biển bị xâm thực mất mỹ quan, nguy hiểm cho du khách.
Ngoài ô nhiễm môi trường thì ô nhiễm tiếng ồn từ xe máy nẹt pô phóng nhanh trên các tuyến đường trọng điểm du lịch hay tiếng hát karaoke từ nhà dân. “Khách đến khu du lịch của chúng tôi luôn phải chịu đựng tiếng karaoke ầm ĩ, cả vào cuối tuần. Họ bỏ tiền tìm đến đây nghỉ dưỡng, thư giãn thì lại nhận được kết quả không như mong muốn. Nhiều lần chúng tôi đã bị khách hủy phòng vì quá ồn ào...”, ông chủ Khu du lịch Cát Trắng kiến nghị lên UBND thành phố Phan Thiết năm qua. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp du lịch ở Hàm Tiến – Mũi Né đang than phiền tiếng ồn phương tiện giao thông trên tuyến đường trọng điểm Nguyễn Đình Chiểu.
Rồi bãi biển bị xâm thực, bẫy tôm hùm... không chỉ mất mỹ quan mà còn nguy hiểm. Những năm qua đã có nhiều du khách té ngã gãy chân vì chơi lướt ván diều vướng vào bẫy tôm hùm, hoặc trượt chân khi leo qua những bao cát khổng lồ bằng túi vải mềm chống xâm thực để tắm biển. “Khó có thể thu hút du khách quốc tế với bãi biển hiện nay. Chúng tôi mong chính quyền địa phương tranh thủ thời gian Covid-19 làm lại bãi biển sạch đẹp để khách đến không thất vọng”, bà Kristy Marland – Giám đốc điều hành Khu nghỉ dưỡng Blue Ocean chia sẻ.
Những vấn đề trên, chỉ như chuyện “trong nhà ngoài ngõ”, nhưng ảnh hưởng rất lớn việc thu hút du khách, nhất là với du khách quốc tế. Bởi cụm từ “ấn tượng để lại trong lòng” đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh ngành mến khách vốn nhạy cảm. Một điểm đến được khách hài lòng với tất cả bao gồm cả những thứ nhỏ nhất là thành công lớn, ngược lại sẽ thất bại và mất khách khi sự không hài lòng đó bị đồn xa. Vậy nên, ngành chức năng quan tâm, không chỉ kêu gọi thu hút nhà đầu tư phát triển du lịch mà còn vấn đề thẩm mỹ để thu hút du khách đến tham quan, níu giữ chân họ. Phải nỗ lực cho du khách thấy được điểm đến tốt, không có chỗ để họ chê bai, ngay cả những vấn đề nhỏ nhất. Ở tỉnh ta đang tồn tại ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn; thiếu nhà vệ sinh công cộng, thiếu đường xuống biển; bãi biển bị xâm thực, bẫy tôm hùm... cần sớm giải quyết để du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng không thất vọng và tiếp tục trở lại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng phát biểu nhấn mạnh, các địa phương làm du lịch phải có quy hoạch, định hướng dài hạn, đầu tư quy mô theo chuẩn mực quốc tế, đặc biệt phải bảo vệ được môi trường. Xây dựng đời sống văn hóa đầu tiên là ở các điểm du lịch từ đi lại, ứng xử đến nhà vệ sinh, vứt rác… Những thứ tưởng là nhỏ nhặt nhưng làm tốt thì môi trường du lịch sẽ an toàn, văn hóa. Du khách đi du lịch cộng đồng là muốn trải nghiệm về sinh thái, không gian sống, các nét văn hóa truyền thống chứ không phải là ở khách sạn 5 sao.