Trong sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, quá trình toàn cầu hóa đang trở thành xu thế, đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ cho phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, thông lệ quốc tế. Hiện nay, tài sản trí tuệ đóng góp lớn cho nền kinh tế các quốc gia vì vậy, cần có những quy định chặt chẽ về quyền tác giả, quyền liên quan. Trong dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ lần này, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tế xã hội thời gian qua, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung theo khoản 2, Điều 1, quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca với nội dung “Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”. Tại hội nghị góp ý dự thảo luật do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức, liên quan về tác giả, đồng tác giả (Điều 12a được bổ sung theo khoản 4 Điều 1 của dự thảo luật), ý kiến đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đồng tình đề nghị sửa lại Điều 12a như sau: “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học đã đăng ký với cơ quan Nhà nước về quyền tác giả đối với tác phẩm…” để gắn trách nhiệm của tác giả giữa việc tạo ra sản phẩm và nghĩa vụ đăng ký quyền tác giả với Nhà nước, tránh phát sinh tranh chấp đối với quyền tác giả.
Cùng với đó, các nội dung chính Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung tập trung vào các điều khoản liên quan quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm là kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước; quyền sở hữu công nghiệp; quyền với giống cây trồng. Bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ bày tỏ quan điểm rằng, việc sửa đổi, bổ sung quy định về cơ chế, tỷ lệ phân chia lợi ích đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là nhiệm vụ khoa học & công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước (khoản 38, khoản 39 Điều 1 dự thảo luật) là cần thiết, giải quyết được những bất cập trong thực tiễn liên quan đến vấn đề này. Đồng thời, tạo cơ sở, động lực cho các tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học & công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chủ động đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm sáng chế; khai thác, chuyển giao, hợp tác thương mại hóa sản phẩm… Về lĩnh vực liên quan đến bảo hộ sáng chế sở hữu trí tuệ giống cây trồng cũng được một số đại biểu đánh giá, các chế định dự thảo luật quy định bảo hộ giống cây trồng đã giúp xuất hiện nhiều hơn các giống cây trồng mới, năng suất cao, sản phẩm nông nghiệp tăng cao, phát triển thị trường chuyển nhượng giống sôi động, phong phú. Luật Sở hữu trí tuệ được hoàn thiện sẽ khuyến khích, tạo động lực cho sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của nhiều cá nhân vào hoạt động cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra sản phẩm vật chất, tinh thần cho xã hội cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; góp phần ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, nhiều đại biểu sở, ngành đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 212 của Luật Sở hữu trí tuệ như sau: “Cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự” để thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự và Luật Sở hữu trí tuệ.
Ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã cảm ơn các đại biểu đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ trong các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, triển khai luật này vào cuộc sống nhằm hoàn thiện tính khả thi của luật, phát huy tính đổi mới sáng tạo. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ đáp ứng các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định quốc tế mà nước ta ký kết, đặc biệt là hai hiệp định thương mại thế hệ mới là EVFTA và CPTPP.