Phát triển kinh tế số nông nghiệp
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đã đặt ra không ít thách thức cho việc phát triển kinh tế và công tác bảo đảm an sinh xã hội. Việt Nam đang tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đạt hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. Theo đó, Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Các giải pháp hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử (TMĐT). Qua đó, giúp các doanh nghiệp có khả năng chống chọi với dịch Covid-19.
Riêng tại Bình Thuận, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4024/KH-UBND ngày 25/10/2021 về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Thực hiện kế hoạch này, thời gian qua Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở ngành, cơ quan liên quan đã triển khai một số nội dung nhằm hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp nắm bắt và thúc đẩy đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Mới đây nhất, vào giữa tháng 3/2022, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản (QLCL NLTS) đã phối hợp với Sở Công Thương, Bưu điện Bình Thuận tổ chức Hội nghị hướng dẫn đưa sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT. Qua đó, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh đa dạng hóa các kênh tiêu thụ. Mặt khác, nâng cao mức tiêu thụ sản phẩm, phù hợp với xu thế hiện nay. Tại đây, các câu hỏi được nông dân, doanh nghiệp đặt ra và quan tâm, đó là làm thế nào để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT? Yêu cầu sản phẩm trên sàn TMĐT như thế nào? Vì sao cần tham gia sàn TMĐT…
Cơ hội mới cho các nông dân, doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị hướng dẫn đưa sản phẩm nông sản lên sàn điện tử, bà Ngô Minh Uyên Thảo- Chi cục trưởng Chi cục QLCL NLTS tỉnh cho rằng, bản chất TMĐT vẫn là hoạt động mua bán hàng hóa nhưng thay vì diễn ra trực tiếp thông qua hành vi của các cá nhân, tổ chức thì sẽ diễn ra trên môi trường Internet, các nền tảng là các website bán hàng, mạng viễn thông được đăng ký theo quy định của pháp luật. Việc mở một trang thương mại điện tử về mặt kỹ thuật không khó, nhưng để trang thương mại điện tử đó vận hành tốt, quảng bá tốt, sao cho có nhiều người mua hàng hóa qua sàn giao dịch thương mại điện tử là vấn đề cần quan tâm. Bên cạnh đó, để có thể vận hành một sàn giao dịch thương mại điện tử đòi hỏi cần có nhiều nguồn lực, cả về số lượng nhân sự và năng lực nhân sự... Do vậy các hộ nông dân, hợp tác xã hoàn toàn có thể liên kết với các sàn thương mại điện tử hiện nay với các chuyên mục nông sản như Voso, Sendo Farm, Postmart, Shopee Farm... có sẵn năng lực vận hành, có khả năng hỗ trợ thanh toán trực tuyến, giúp nông sản vận chuyển tới tay người tiêu dùng trên khắp vùng miền. Bên cạnh, có thể tận dụng thêm nguồn lực hỗ trợ trực tiếp từ các bộ ngành Trung ương, các sàn thương mại điện tử đối tác để việc tiêu thụ nông sản đạt được kết quả và hiệu quả tốt nhất.
Rõ ràng, việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT là hình thức giới thiệu sản phẩm thiết thực và hiệu quả. Ngoài việc có thể đăng tải đầy đủ thông tin sản phẩm, giá cả, hình ảnh, chứng nhận tới người tiêu dùng, đây còn là kênh thông tin hữu ích để thăm dò thị hiếu người tiêu dùng, tương tác trực tiếp cũng như tiếp nhận các phản hồi của khách hàng để người sản xuất có cơ sở để cải tiến, hoàn thiện sản phẩm. Với xu thế thị trường hiện nay, dự kiến sắp tới số lượng người tiêu dùng tiếp tục mua sắm những mặt hàng thiết yếu qua kênh TMĐT sẽ ngày càng gia tăng. TMĐT sẽ trở thành một phương thức mua bán hữu hiệu không chỉ cho cơ sở, doanh nghiệp mà còn mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam và trên thế giới.