Theo dõi trên

Đừng để con em phải bị áp lực vì chọn ngành học

20/06/2022, 14:31 - Lượt đọc: 1,398

BTO- Không còn nhiều thời gian nộp hồ sơ dự thi đại học 2022, hiện các em học sinh đang phân vân trước những lựa chọn ngành nghề cho mình trong tương lai…

Thời điểm này các bạn lớp 12 đang đắn đo lựa chọn một ngành nghề, trường  học phù hợp với mình. Hai năm trước, tôi cũng từng trải qua những cảm giác giống như vậy nên rất đồng cảm với các em lúc này. Mệt mỏi và áp lực. Đề thi, đề cương tài liệu xung quanh cùng một mớ tâm lý hỗn độn trước kì thi, cộng thêm những áp lực vô hình trong câu nói: "Phải đỗ đại học" để rồi từ đó tôi luôn áp lực với chính mình, phải học thật tốt để không trượt nguyện vọng 1, để không làm ba mẹ thất vọng.

z3506363312425_fe45ca92afb522f53acaf08917ea80ca.jpg

Gánh nặng học tập chưa nguôi, gánh nặng khác mang tên chọn trường chọn ngành lại khiến các bạn học sinh thêm đau đầu, nhất là với những bạn đang đứng "ngã 3 đường" không biết mình thích gì. Ai cũng biết rằng, lựa chọn ngành thi đại học sẽ quyết định sự nghiệp mà mình theo đuổi trong suốt cuộc đời sau này. Năng lực của bản thân và niềm đam mê, yêu thích được xem là yếu tố quan trọng đầu tiên để học sinh quyết định chọn nghề. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng xác định được năng lực của mình sau 12 năm đèn sách. Nhất là với những em có lực học trung bình, lại thụ động ít tham gia các hoạt động ngoại khóa, đoàn, hội trong trường.

Với kinh nghiệm của "một người từng trải", xin các em hãy bình tĩnh lại, và đừng nghĩ mình vô dụng khi chưa tìm ra được sở thích của chính mình. Việc chọn cho bản thân một ngành nghề để theo đuổi cần dành thời gian để khám phá bản thân cũng như khám phá thị trường tuyển dụng. Ngoài ra các em có thể khám phá bản thân thông qua các bài test tính cách, hay hỏi han những người xung quanh nhận xét về mình.

Khi đã đưa ra được những quyết định chính xác, các em sẽ có nhiều thời gian hơn, tâm lý thoải mái hơn để tập trung ôn tập cho những kỳ thi. Nhưng để có được những quyết định như vậy, đòi hỏi các em phải có sự chuẩn bị từ trước, quan trọng là có niềm đam mê và hiểu được năng lực bản thân. Sự tư vấn của các chuyên gia, những lời khuyên của gia đình, thầy cô là cần thiết nhưng quan trọng hơn cả vẫn phải là sự quyết định của chính mình. Mong rằng, các học sinh lớp 12 sẽ nhanh chóng có được quyết định đúng đắn và tự tin với sự lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Bố mẹ quyết định ngành “hộ” con

Để có thể đưa ra quyết định, những tư vấn của gia đình, người thân cũng hết sức quan trọng. Nhưng không phải cha mẹ nào cũng có thể đưa ra được những lời khuyên đúng đắn cho con. Vì mong muốn của mình, rất nhiều phụ huynh ép buộc con phải thi trường này, học trường kia mà không quan tâm đến sở thích, năng lực của con. Một số phụ huynh khác lại có suy nghĩ đơn giản rằng, thi vào trường này, trường kia chỉ để thuận lợi đi lại, có nhà người quen ở gần hay đã có những đứa con trước đang theo học.

Tôi có cô bạn bằng tuổi, năm nay đang là sinh viên năm 2 đang học tại một trường đại học có tiếng tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng ít ai biết rằng cô bạn chọn học trường này là vì quyết định của bố mẹ. Mỗi lần tâm sự, cô ấy lại mệt mỏi nói rằng: "Mình không muốn học ngành này, nhưng không dám nói ra vì sợ bố mẹ buồn".

Đã bao giờ những bậc bố mẹ đang áp đặt suy nghĩ của mình vào con cái đã hỏi bản thân rằng: “Liệu con mình có thích nghành này không?

Thời gian bước vào kỳ thi quan trọng đang đến gần, các vị phụ huynh đừng vì những bất đồng trong mong muốn chọn trường, chọn nghề khiến tâm lý con thêm căng thẳng. Thay vào đó hãy cùng nhau tìm tiếng ra nói chung, khi đó con cái sẽ thấy cha mẹ không phải người áp đặt mà là người bạn đồng hành tiếp sức cho con.

MINH DUNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Sao cha mẹ và thầy cô lại không thể ngồi lại với nhau?
Mối quan hệ phụ huynh và giáo viên có hài hòa, có tốt đẹp, mọi người đặt niềm tin vào nhau thì việc giáo dục con em mới được toàn diện. Bởi thế, việc cần nhất là phụ huynh và giáo viên nên thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp và lành mạnh.
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng để con em phải bị áp lực vì chọn ngành học