Miễn học phí, nhưng vẫn khó
Sau khi sáp nhập 3 trường (Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Cộng đồng và Cao đẳng Nghề Bình Thuận) thành Trường Cao đẳng Bình Thuận, kế hoạch tuyển sinh của trường có thay đổi so với mọi năm nhằm phù hợp với quy mô tuyển sinh. Đồng thời, phương thức xét tuyển có khác biệt giữa các nhóm ngành, nghề đặc thù. Chẳng hạn, ngành giáo dục mầm non thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nhóm ngành, nghề thuộc giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội. Xét tuyển dựa vào điểm trung bình cộng cả năm học trong học bạ cuối cấp THCS (lớp 9) hoặc THPT (lớp 12). Điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Riêng ngành, nghề khối y tế - sức khỏe gồm điều dưỡng, dược, hộ sinh và y sĩ đa khoa, điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là điểm trung bình cộng cả năm học bạ THPT lớp 12 và trung bình cộng của tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt từ 5,0 trở lên. Đó là chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Trung - Trưởng phòng Đào tạo của Trường Cao đẳng Bình Thuận.
Theo thầy Trung, với chính sách ưu đãi, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) vào học trung cấp được miễn học phí. Cùng với đó, nhà trường thực hiện nhiều hình thức tư vấn như trực tiếp xuống cơ sở để tư vấn hoặc tư vấn hình thức qua zalo, facebook, nhưng việc triển khai chính sách đào tạo nghề cho học sinh THCS đang gặp nhiều khó khăn; đặc biệt đối với các em ở vùng sâu, vùng xa. Bởi phụ huynh của các học sinh ở vùng này ít quan tâm việc định hướng tương lai nghề nghiệp; khả năng tiếp cận thông tin theo hình thức trực tuyến của học sinh còn hạn chế. Mặt khác, tâm lý của không ít phụ huynh và các học sinh (đặc biệt là học sinh trung học phổ thông) băn khoăn trước việc lựa chọn ngành nghề; sính bằng cấp với mong muốn vào đại học bằng mọi giá nên khó khăn trong việc nhà trường thu hút vào tuyển sinh trình độ cao đẳng. Trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề, học sinh phải xác định các yếu tố gồm năng lực bản thân, tìm hiểu thông tin nhu cầu nhân lực thiếu thừa trong thời gian tới, sở thích - đam mê và năng lực tài chính gia đình.
Gắn liền với thị trường việc làm
Được biết, về quy mô đào tạo giai đoạn 2023 - 2025 của Trường Cao đẳng Bình Thuận, bình quân hàng năm tuyển mới 1.500 học sinh, sinh viên (HSSV). Trong đó, 40% trình độ cao đẳng, 30% trình độ trung cấp và 30% trình độ sơ cấp và đào tạo ngắn hạn. Bên cạnh đó, trường tiếp tục phối hợp với các trường đại học mở các lớp đại học và sau đại học phục vụ nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Theo đó, mục tiêu phát triển giai đoạn này là nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo hiện có; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để HSSV phát triển toàn diện về trí tuệ, năng lực, thể chất, có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp cao; tăng cường đào tạo và bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ, tin học, văn hóa nghề và kỹ năng mềm cho HSSV. Các doanh nghiệp, chuyên gia được mời tham gia giảng dạy để truyền đạt kinh nghiệm thực tiễn và hướng dẫn HSSV thực hành, thực tập. Song song đó, nhà trường khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, nhu cầu nhân lực của thị trường lao động nhằm xác định cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp, liên kết đào tạo sản xuất và cung ứng nguồn nhân lực. Đổi mới phương pháp giảng dạy theo phương châm lấy người học làm trung tâm, học đi đôi với hành.
Cùng với đó, nhà trường duy trì và phát huy các mối quan hệ với các đối tác nước ngoài, từng bước xây dựng quan hệ với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Năm 2023, nhà trường đã và đang liên kết một số trường ở Đức, Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc để sinh viên có thể du học tại chỗ (là hình thức học và nhận bằng quốc tế từ các trường nước ngoài ngay tại Việt Nam với chi phí hợp lý), hoặc du học tại các quốc gia như đề cập. Đồng thời, nhà trường cũng liên kết các trường ở các quốc gia này để thực tập sinh và làm việc. Điều này mở ra cơ hội giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.