Theo dõi trên

Giữ gìn dòng chảy nghệ thuật dân gian Chăm

13/11/2023, 22:04

Văn hóa Chăm lĩnh hội từ nhiều nền văn hóa lớn. Trong đó, ảnh hưởng sâu đậm nhất là văn hóa Ấn Độ. Bên cạnh, các làn điệu hát dân ca, các thể loại thành ngữ, ca dao, đồng dao, người Chăm còn sáng tạo ra thể thơ lục bát và nghệ thuật hát Ariya. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khiến loại hình sinh hoạt hát Ariya rơi vào quên lãng dần.

Nằm trong Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, mới đây Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đã mở 2 lớp truyền dạy hát ngâm Ariya của người Chăm cho xã Phan Hiệp và xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình.

lop-hoc-day-hat-cham-phan-hiep.jpg
Khai mạc lớp truyền dạy hát ngâm Ariya tại Phan Hiệp

Thể loại nghệ thuật của dân tộc Chăm

Ariya là một loại văn chương của dân tộc Chăm được sáng tác dưới dạng thể thơ bằng văn tự akhar thrah dùng để hát ngâm và được lưu truyền qua nhiều thế hệ bằng trí nhớ, theo hình thức chép tay thành văn bản bằng chữ Chăm. Ariya còn cung cấp nguồn tư liệu quý cho nghiên cứu về lịch sử, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo, xã hội, tình yêu và giáo dục của tộc người Chăm ở tỉnh Bình Thuận.

img_6658.jpg
Học viên học hát ngâm Ariya

Nghệ nhân ưu tú Lâm Tấn Bình, một người con của dân tộc Chăm ở Bắc Bình cho biết: Từ sau năm 1975, qua các đợt điền dã của các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm trên địa bàn tỉnh cho thấy thể loại Ariya của người Chăm rất phong phú về nội dung và đa dạng về giọng điệu hát ngâm mang tính văn học nghệ thuật dân gian rất cao. Tiêu biểu một số thể loại Ariya mang nội hàm gia huấn ca, răn dạy người phụ nữ Chăm nhân cách đặc trưng theo chế độ mẫu hệ, hay răn dạy người con trai khi lớn lên phải siêng năng học chữ cho nên người; cách tính lịch Chăm để hành lễ tín ngưỡng tôn giáo và tín ngưỡng dân gian theo quan niệm âm dương lưỡng hợp; tình yêu chung thủy bất diệt của đôi trai gái Chăm bị cản ngăn bởi bức tường khắc nghiệt do sự khác đạo theo quan niệm của thời phong kiến lúc bấy giờ…

img_6666.11.jpg
Lớp do các nghệ nhân và người am hiểu về nghệ thuật hát ngâm Ariya của người Chăm truyền dạy

Từ đó góp phần giáo dục nhân cách con người, ý thức về cội nguồn, thể hiện lòng hiếu thảo, thiện tâm trong đối nhân xử thế. Phản ánh được trình độ và hoàn cảnh xã hội theo từng giai đoạn lịch sử của nó, tạo nên yếu tố tình cảm thắt chặt đoàn kết trong mối quan hệ sinh hoạt giữa hai tôn giáo, gắn với giáo dục lòng tự hào và trách nhiệm của nhiều thế hệ người Chăm trong việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.

Mỗi làn điệu Ariya đều có cách đưa giọng, xuống giọng rất đặc biệt. Bởi thế cho dù bạn không biết tiếng Chăm đi nữa, nhưng khi ngồi nghe một nghệ nhân cất giọng thì không thể rời bước đi. Có điệu ngân nga kéo dài giọng ngâm với sự nồng nàn và nhẹ nhàng như đưa người ta vào thế giới của sự bồng bềnh, lãng du. Có điệu lên xuống trầm bổng để diễn đạt sự tiếc nuối hay oán than. Có điệu lại như lời tâm sự, thỏ thẻ của đôi trai gái đang yêu nhau...

img_6660.jpg
Những học viên nữ theo học

Truyền dạy hát Ariya Chăm

Trước đây, Ariya được lưu truyền rất phổ biến trong cộng đồng người Chăm. Họ có thể ngâm mọi lúc mọi nơi, trong lễ hội, tang ma, trong lúc sản xuất, sau những vụ nông nhàn hay vào mỗi buổi tối. Tuy nhiên, theo trào lưu của cuộc sống phát triển, cộng với sự tác động bởi nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, các văn bản chữ Chăm lưu giữ Ariya và các nghệ nhân biết hát ngâm Ariya đang có nguy cơ mất dần.

Để lưu giữ và bảo tồn các làn điệu ngâm Ariya, trong tháng 10 và 11 vừa qua, Bảo tàng tỉnh đã mở 2 lớp truyền dạy hát ngâm Ariya của người Chăm tại xã Phan Hiệp và xã Phan Hòa (Bắc Bình). Ông Đoàn Văn Thuận – Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Ariya của người Chăm rất phong phú, đa dạng và nhiều chủ đề khác nhau. Do đó, Ban tổ chức lớp học đã chọn lựa mỗi loại hình một vài bài Ariya tiêu biểu, phổ biến và ngắn gọn để truyền dạy cho các học viên dễ dàng tiếp thu, mang lại hiệu quả tối ưu nhất. Chủ yếu chọn bài đã được dịch, xuất bản thành sách. Có 55 học viên là con em đồng bào Chăm ở hai địa phương tham gia học. Lớp do các nghệ nhân và người am hiểu về nghệ thuật hát ngâm Ariya của người Chăm ở Bắc Bình, Tuy Phong và Hàm Thuận Bắc truyền dạy. Ngoài thời gian học trực tiếp, các học viên còn được đi khảo sát thực tế tại các làng Chăm ở xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) và thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh).

Ông Lâm Tấn Bình chia sẻ: Với vai trò là nghệ nhân ưu tú, là người cùng tham gia nghiên cứu để bảo tồn trên lĩnh vực văn hóa dân gian Chăm, được Ban tổ chức mời tham gia truyền dạy, tôi rất vui mừng và sẵn sàng cùng với các học viên thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình dưới chủ trương quan tâm về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Đây là thể loại khó, nhưng đáng mừng là tại lớp học chúng tôi bắt gặp nhiều học viên trẻ, mới ngoài 30 tuổi theo học. Em Nguyễn Hữu Lan Chi (thôn Bình Minh, xã Phan Hòa) cũng như nhiều học viên đều cho rằng: Nghệ thuật hát ngâm Ariya ngày càng mờ nhạt trong xã hội, vì thế những lớp truyền dạy là cách hiệu quả để những người con của dân tộc Chăm học hỏi các nghệ nhân, hướng tới mục tiêu khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc tránh nguy cơ mai một, phục vụ đời sống, sinh hoạt của cộng đồng và góp phần phát triển du lịch.

Bảo tồn và phát huy nền văn học dân gian Chăm đối với loại hình thi ca Ariya sẽ tạo nên sự phong phú đa dạng cho nền văn học nghệ thuật của tỉnh nhà và tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

THÙY LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số
BT - Bình Thuận có 35 dân tộc, trong đó người Kinh chiếm 93% dân số của tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 7% dân số, nhiều nhất là dân tộc Chăm và Raglay.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ gìn dòng chảy nghệ thuật dân gian Chăm