Theo dõi trên

“Giữ hồn” tà áo dài Việt

24/02/2024, 06:13

Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam và người thợ may luôn mong muốn giữ gìn nét truyền thống của tà áo dài Việt. Hơn 20 năm trong nghề, cô thợ may Phan Diễm Trinh ở khu phố 6, phường Bình Tân (thị xã La Gi) vẫn luôn nhiệt huyết, đam mê với nghề như những ngày ban đầu.

Chị Phan Thị Trinh vẫn luôn miệt mài “giữ hồn” cho tà áo dài Việt

Hiếm có trang phục nào vừa kín đáo, chuẩn mực, lại vừa tôn lên vẻ đẹp thướt tha, mềm mại của người phụ nữ như áo dài Việt Nam. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, áo dài đã trở thành hồn cốt dân tộc, là biểu tượng văn hóa không thể trộn lẫn với bất cứ nền văn hóa nào khác… Đam mê áo dài từ những ngày thơ bé, chị Phan Diễm Trinh luôn mơ ước sau này trở thành một người thợ may áo dài lành nghề. Thế nhưng, để thực hiện được ước mơ của mình, thực sự không dễ dàng gì vì hoàn cảnh gia đình chị Trinh trước đây rất nghèo. Chị Trinh tâm sự: “Năm 17 tuổi để có tiền cho chị Trinh học may, cả gia đình gồm mẹ và các anh trai phải dành dụm và tích góp thì chị Trinh mới có cơ hội để theo học nghề may”.

Và đến nay, sau hơn 20 năm cần mẫn, gắn bó với nghề, tay nghề may áo dài của chị Trinh luôn được khách hàng đánh giá cao và được nhiều người biết đến, áo dài được đo, may bởi bàn tay của chị Trinh luôn giữ được nét truyền thống cũng như “cái hồn” của tà áo dài Việt. Mặc dù gắn bó với nghề đã khá lâu, nhưng cứ nhắc đến áo dài là đôi mắt chị Trinh vẫn luôn ánh niềm hạnh phúc và sự tâm huyết. Chị luôn khát khao làm sao để những bộ áo dài khi đã được cắt may phải thật đẹp và làm hài lòng tất cả khách hàng của mình.

Chị Bùi Thị Minh Loan – khách hàng của chị Trinh chia sẻ: “Tôi đã may áo dài ở tiệm chị Trinh hơn 8 năm qua và tôi cảm thấy rất hài lòng vì mỗi bộ áo dài chị Trinh may ra đều có phom dáng rất đẹp, vừa vặn lại sắc sảo trong từng đường kim mũi chỉ khiến cho người mặc cũng như người ngắm đều có nhiều cảm xúc”.

Không giống như Kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc hay Sari - trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, áo dài không cần tốn nhiều thời gian để mặc, lại đơn giản, gọn gàng nhưng vẫn duyên dáng và vô cùng thanh lịch. Thoạt nhìn, quốc phục Việt Nam có vẻ không quá cầu kỳ như nhiều quốc gia khác, nhưng thực tế áo dài chính là kết quả của tay nghề thuần thục, khéo léo và sự kiên trì của người may. Áo dài truyền thống Việt Nam có những yêu cầu chuẩn mực hết sức khắt khe, nhằm thể hiện được những nét tinh tế nhất, từ việc lựa chọn kiểu may, màu sắc, chất liệu vải, đến những họa tiết trang trí, thêu thùa… Chính vì thế nó đòi hỏi người may phải luôn tinh tế và sáng tạo nhưng tuyệt đối phải giữ được “cái hồn” và đường nét của tà áo dài truyền thống. Và chị Trinh là một trong những thợ may đã làm được những điều đó.

Khách diện áo dài do chị Trinh may

Hàng năm để hỗ trợ các nữ sinh nghèo có được những bộ áo dài trắng tinh tươm để đến trường, chị Phan Diễm Trinh đã dành tặng đến rất nhiều nữ sinh khó khăn những bộ áo dài mà ẩn sâu trong đó là tình cảm thương yêu và mong muốn các em có thêm động lực để vươn lên trong học tập. Giỏi về nghề, nhiều năm qua chị Trinh đã đào tạo được rất nhiều học trò và rất nhiều trong số đó nay đã trở thành những thợ may lành nghề. Và họ đều luôn dành sự yêu mến và quý trọng chị Trinh.

Khách diện áo dài do chị Trinh may trong dịp “Tết đến Xuân về”

Sau khi hoàn thành xong những chiếc áo dài, chị Trinh còn thường xuyên tổ chức những buổi chụp hình cho khách để họ có cơ hội lưu giữ những hình ảnh đẹp nhất với bộ áo dài Việt. Hình ảnh những cô gái diện những bộ áo dài xinh đẹp tung tăng xuống phố, đặc biệt là trong những dịp tết đến xuân về lại càng làm cho người ngắm, người nhìn thêm yêu mến áo dài – trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, áo dài đã trở thành niềm tự hào của người Việt, đồng hành cùng sắc đẹp Việt Nam trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Vẻ đẹp dịu dàng, thanh tao không gì sánh kịp của áo dài đã tôn vinh vẻ đẹp không chỉ của người phụ nữ Việt Nam, mà còn là của một dân tộc có một bản sắc văn hóa độc đáo. Và những người thợ may áo dài như chị Trinh là những người vẫn luôn miệt mài “giữ hồn” cho tà áo dài Việt.

RẠNG ĐÔNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cổ Thạch Tự - Kiến trúc chan hòa với thiên nhiên
Sau 30 năm được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia, chùa Cổ Thạch (chùa Hang) xã Bình Thạnh – huyện Tuy Phong ngày càng nổi tiếng và trở thành điểm hành hương, tham quan không chỉ của cộng đồng phật giáo mà còn thu hút đông đảo du khách phương xa.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Giữ hồn” tà áo dài Việt