Theo dõi trên

Hàm Thuận Bắc: Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong giai đoạn mới

01/05/2023, 05:42

Từ một huyện thuần nông, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, đến nay huyện Hàm Thuận Bắc đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ.

Xóa bỏ thế thuần nông, độc canh cây lúa

Được mệnh danh là một trong 2 vựa lúa phía bắc và là vùng trồng thanh long lớn thứ 2 của tỉnh, nhiều năm qua huyện Hàm Thuận Bắc đã tập trung phát triển thế mạnh về kinh tế nông nghiệp. Nhưng trong xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng phát triển, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển khá. Trong đó, tập trung nhiều ở xã Hàm Thắng, thị trấn Phú Long, Ma Lâm và xã Hàm Đức…

may-xuat-khau-o-cong-ty-may-phu-long-anh-n.lan-1-.jpg
May xuất khẩu ở Công ty may Phú Long. Ảnh: N.Lân

Dọc tuyến quốc lộ 1A đi qua địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, chúng ta có thể cảm nhận được sự phát triển ngày càng sôi động các hoạt động kinh tế ở những địa bàn vùng ven cửa ngõ phía bắc của TP. Phan Thiết. Toàn huyện hiện có 3 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Nổi bật nhất là Cụm công nghiệp Phú Long đã thu hút gần 3.000 lao động, hàng năm đều duy trì hoạt động ổn định và đem lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp, địa phương. Bên cạnh đó, còn có hoạt động khai thác đá, vật liệu xây dựng tại khu vực Tà Zôn (xã Hàm Đức), là nơi cung cấp vật liệu xây dựng cho hầu hết các công trình, dự án trên địa bàn huyện và TP. Phan Thiết…

ho-thuy-dien-ham-thuan-ham-thuan-bac-anh-n.lan-2-.jpg
Hồ thủy điện Đa Mi (Hàm Thuận Bắc). Ảnh: N.Lân

Đáng chú ý, những năm gần đây, ngành công nghiệp năng lượng trên địa bàn có sự phát triển. Theo UBND huyện Hàm Thuận Bắc, toàn huyện hiện có 2 nhà máy thủy điện, 4 nhà máy điện mặt trời và nhiều công trình điện áp mái nhà. Đặc biệt trong thời gian tới, với việc xuất hiện thêm một số nhà máy thủy điện, điện mặt trời trên địa bàn huyện sẽ khai thác được cái nắng, gió, biến khó khăn thành lợi thế trong phát triển kinh tế của huyện.

Cùng với công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn Hàm Thuận Bắc cũng đang trên đà phát triển. Điển hình như Khu thương mại – dịch vụ Bến Lội – Lại An, xã Hàm Thắng và 2 thị trấn Ma Lâm, Phú Long. Mặt khác, xuất hiện các sản phẩm chế biến từ thanh long, các làng nghề bún, bánh tráng được khôi phục, gắn với cải tiến kỹ thuật, đầu tư máy móc, thiết bị, tăng năng suất. Nhiều công ty, doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh trên địa bàn đã thúc đẩy cơ cấu kinh tế huyện chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, xóa bỏ thế thuần nông, độc canh cây lúa.

dien-mat-troi-o-ham-phu-ham-thuan-bac-anh-n.-lan-.jpg
Điện mặt trời ở Hàm Thuận Bắc. Ảnh: N.Lân

Chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp

Theo đánh giá của UBND huyện Hàm Thuận Bắc, trải qua chặng đường 40 năm qua, cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển. Trong đó, các ngành nghề, sản phẩm được chú ý như khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gạch không nung, may mặc xuất khẩu. Ngoài ra còn có lĩnh vực chế biến lương thực, phân phối điện, nước sinh hoạt, cơ khí kỹ nghệ sắt, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đã góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hàm Thuận Bắc, nhìn chung tình hình phát triển công nghiệp trong những năm qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của huyện. Việc kêu gọi và thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp vẫn còn khó khăn, hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp (làng nghề bánh tráng, làng nghề mộc, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm…) để tăng thu nhập ổn định đời sống người dân. Ngành công nghiệp của huyện cần có những dự án có quy mô lớn như nhà máy sản xuất dây khóa kéo các loại tại Cụm công nghiệp Hàm Đức. Cùng với đó là những ngành nghề, sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao để xuất khẩu, tạo sự đột phá đi lên và dẫn dắt ngành công nghiệp địa phương phát triển. Có như thế mới tạo ra động lực mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Cùng với đó, giai đoạn sau năm 2025, địa phương sẽ tập trung các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến theo kế hoạch của UBND huyện về định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục đích nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp của địa phương và hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chặng đường phía trước đang mở ra cho huyện Hàm Thuận Bắc nhiều thời cơ và thuận lợi mới. Tuy nhiên, cũng còn không ít gian nan khó khăn, thử thách. Chính quyền và nhân dân huyện nhà càng ý thức sâu sắc trách nhiệm, nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết thống nhất, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương. Trong đó không thể thiếu định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong giai đoạn mới.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đảng bộ huyện Hàm Thuận Bắc: Vững mạnh từ việc học tập và làm theo Bác
Đảng bộ huyện Hàm Thuận Bắc luôn xác định lấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng. Theo đó, Đảng bộ đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, nhất là triển khai các nội dung mang tính đột phá, thiết thực.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Bắc: Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong giai đoạn mới