Theo dõi trên

Hàm Thuận Bắc: Tạo động lực phát triển kinh tế hợp tác xã

07/11/2024, 10:02

BTO-Những năm qua, với sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại Hàm Thuận Bắc đã không ngừng vươn lên, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập cho bà con nông dân. Huyện đã thực hiện liên kết với nhiều doanh nghiệp lớn, triển khai mô hình sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, đồng thời duy trì rà soát và giải thể các HTX hoạt động kém hiệu quả.

Hiệu quả liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ

Hiện nay, Hàm Thuận Bắc có 33 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, tất cả đều tuân thủ theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Đặc biệt, 16 HTX chuyên sản xuất và tiêu thụ thanh long đã hình thành những chuỗi liên kết bền vững với tổng diện tích canh tác thanh long đạt khoảng 479,1 ha, phần lớn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các HTX không chỉ đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa dịch vụ mà còn liên tục tạo ra những sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, gia tăng giá trị nhờ liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, tăng cường hiệu quả sản xuất và cải thiện đời sống cho xã viên.

Một trong những HTX tiêu biểu là HTX Dịch vụ Thanh long Hữu cơ Phú Hội ở thôn Phú Nhang, xã Hàm Hiệp. HTX này hiện đang canh tác 81,08 ha thanh long đạt chuẩn VietGAP, trong đó có 12 ha đạt chuẩn GlobalGAP. Bà Ngô Xuân Khánh Vân, Giám đốc Kinh doanh của HTX, cho biết nhờ sự hỗ trợ từ các sở, ban, ngành, HTX đã tích cực tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm và các sự kiện giao lưu kết nối cung - cầu, giúp sản phẩm của HTX tiếp cận được với nhiều đối tác trong và ngoài nước. HTX cũng chủ động tìm kiếm khách hàng thông qua các kênh thương mại điện tử và website như www.thanhlongvietgap.comwww.thanhlongxuatkhau.com, qua đó mở rộng kênh phân phối và phát triển thương hiệu ổn định. Từ năm 2015, HTX Phú Hội đã được hỗ trợ xây dựng cơ sở đóng gói đạt chuẩn, đảm bảo quy trình sản xuất khép kín từ trồng trọt, chế biến đến đóng gói và giao hàng, đáp ứng những yêu cầu chất lượng khắt khe nhất. Mô hình sản xuất khép kín này không chỉ tạo việc làm cho khoảng 80 lao động địa phương mà còn giúp cải thiện thu nhập ổn định cho xã viên và nông dân trong vùng.

Hỗ trợ đầu tư kho lạnh bảo quản thanh long xuất khẩu của HTX Dịch vụ Thanh long Hữu cơ Phú Hội

Ngoài thanh long, trong năm 2023, UBND huyện đã phê duyệt 8 kế hoạch liên kết sản xuất từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, với quy mô lớn gồm: 45ha liên kết lúa ML48 giữa HTX nông nghiệp Hàm Phú và Nhà máy xay xát Ánh Hồng; 42ha giống lúa ML48 giữa HTX Thanh long Thuận Hòa và HTX Thanh long Phú Thịnh; 40ha giống lúa OM5451 giữa HTX Hiệp Phát và Công ty An Điền; và nhiều kế hoạch khác với các giống lúa OM18, OM5451, liên kết với các doanh nghiệp và đại lý vật tư nông nghiệp trên diện tích hàng chục hecta.

Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP

Bên cạnh phát triển các chuỗi sản xuất, huyện Hàm Thuận Bắc còn tập trung đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị cho nông sản địa phương. Đến nay, huyện đã có 24 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 15 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Các sản phẩm này đang được tích cực hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử, góp phần quảng bá rộng rãi, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm OCOP chất lượng.

Đặc biệt, huyện đã cấp mới và quản lý 14 vùng trồng thanh long, cùng 1 mã vùng trồng sầu riêng và 1 mã số cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc cho nông sản xuất khẩu. Huyện cũng hỗ trợ HTX Thanh long sạch Hòa Lệ và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hữu cơ Hiệp Phát đánh giá và phân hạng các sản phẩm OCOP từ thanh long và lúa cấp huyện.

Ngoài ra, huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng lãnh đạo, quản trị rủi ro, kỹ thuật thâm canh và liên kết tiêu thụ thanh long, sầu riêng theo chuỗi giá trị. Các HTX như Thuận Tiến, Thuận Hòa, Hàm Đức, Hồng Sơn và Đa Mi cũng được tập huấn về ứng dụng công nghệ như nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc và mô hình tưới tiết kiệm… giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản.

Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến sử dụng phân bón hữu cơ, viết nhật ký điện tử

Nhờ những chính sách hỗ trợ thiết thực và nỗ lực từ các HTX, huyện Hàm Thuận Bắc đang từng bước xây dựng nền kinh tế hợp tác xã bền vững, nâng cao đời sống cho người dân và tạo thêm động lực  tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

T.DUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hướng đi bền vững cho các hợp tác xã ở Tánh Linh
Tánh Linh, một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn của tỉnh. Địa phương đang từng bước quy hoạch vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các hợp tác xã ở Tánh Linh đã liên kết với các công ty sản xuất giống lúa chất lượng cao.
Nổi bật
Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Bộ Chính trị xác định, việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Bắc: Tạo động lực phát triển kinh tế hợp tác xã