Theo dõi trên

Hướng đi bền vững cho các hợp tác xã ở Tánh Linh

29/10/2024, 15:11

Tánh Linh, một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn của tỉnh. Địa phương đang từng bước quy hoạch vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các hợp tác xã ở Tánh Linh đã liên kết với các công ty sản xuất giống lúa chất lượng cao.

Hiện nay, nhiều hợp tác xã ở Tánh Linh đã liên kết với các Công ty, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long tiến hành sản xuất lúa giống. Nhiều hợp tác xã đã cử nhiều xã viên đi học tập kinh nghiệm, thuê các chuyên gia về hướng dẫn thực hiện cho đúng kỹ thuật và cách chăm sóc lúa cho đúng quy trình. Từ những người đã quen với cách thức sản xuất lúa truyền thống, nay nhiều người dân đã thành thục các quy trình sản xuất nghiêm ngặt mà đơn vị liên kết đưa ra.

Sản xuất lúa giống thì mọi khâu trong quá trình sản xuất đều phải kỹ lưỡng và tốn công hơn sản xuất lúa thương phẩm. Ngay từ khâu chọn giống, ngâm giống, cấy lúa phải đúng kỹ thuật, khoảng cách mà đơn vị liên kết quy định. Rồi công tác khử khuẩn, lọc lúa tạp cũng nhiều hơn. Lúa thương phẩm thì người dân chỉ cần 1, 2 lần lọc lúa tạp nhưng sản xuất lúa giống thì mất đến 4 lần. Tuy nhiên, tham gia sản xuất lúa giống người dân được hỗ trợ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ một phần kinh phí về phân, thuốc và được bao tiêu sản phẩm đầu ra, được mua lúa giống thấp hơn giá thị trường nên người dân cũng an tâm sản xuất. Đơn cử như các hợp tác xã khi liên kết sản xuất lúa giống với Công Ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thì ngoài tiền hỗ trợ phân thuốc, khi người dân gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, gặp phải thiên tai sẽ được công ty hỗ trợ. Vụ hè thu năm 2024, những hộ dân liên kết sản xuất lúa với Công Ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời lúc xạ gặp phải mưa lớn dẫn đến lúa bị chết, hàng lúa bị xê dịch không đúng vói quy chuẩn sản xuất, Công Ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại 1,5 triệu đồng/ha để tiến hành sản xuất lại.

img_6778.jpg
Liên kết sản xuất lúa giống đang mang lại những hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Tánh Linh

Chính vì vậy, nhiều người dân đã mạnh dạn liên kết sản xuất giống lúa với diện tích đạt 429,75 ha. Cụ thể: Vụ Đông xuân 2023-2024: Diện tích xã hội hóa giống lúa 312 ha tại các xã: Đức Phú, Nghị Đức, Măng Tố, Bắc Ruộng, Huy Khiêm, Đồng Kho, Đức Bình, Đức Thuận, Gia An và thị trấn Lạc Tánh. Vụ Hè thu 2024: Diện tích liên kết sản xuất giống lúa 117,75 ha. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời liên kết với người dân sản xuất giống lúa OM5451 với diện tích 53,75 ha; Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long liên kết sản xuất với diện tích 64 ha.

Hiện nay, các đơn vị liên kết sản xuất lúa giống ở Tánh Linh hiện đang sản xuất các giống lúa chủ yếu như: OM4900, OM5451, ML202 của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam; OM5451, OM18 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; NVP79 của Công ty Nông Việt Phát; Cửu Long 666; Hương Cửu Long của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Cửu Long. Việc liên kết đã tạo ra các giống lúa đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Việc liên kết sản xuất lúa giống cũng giúp người dân ở Tánh Linh có tập quán và kỹ thuật sản xuất cao hơn so với các địa phương khác. Bên cạnh các lý do về thổ nhưỡng và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì đây là lý do để Công Ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời xây dựng nhà máy sản xuất lúa giống trên địa bàn huyện Tánh Linh. Ông Trương Thành Tây, Phó Giám đốc phụ trách sản xuất Công Ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết: Công ty đã đi khảo sát ở nhiều địa phương khác, nhưng chỉ có Tánh Linh là hội đủ các yếu tố về thổ nhưỡng và con người. Bởi quy trình sản xuất lúa giống của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời có những tiêu chuẩn sản xuất rất khắt khe đòi hỏi người nông dân phải có thói quen sản xuất, một kiến thức nhất định về sản xuất lúa theo hướng hiện đại. Ngoài việc liên kết sản xuất lúa giống nguyên chủng, Công ty còn hướng đến sản xuất giống siêu nguyên chủng. Trong Vụ Đông xuân 2023-2024, Công ty đã liên kết sản xuất giống siêu nguyên chủng với diện tích 4ha tại xã Đồng Kho. Lúa giống được sản xuất ở huyện Tánh Linh đã được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời bán ra thị trường ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Tây Ninh.

Ngoài sản xuất giống lúa, các địa phương trong huyện Tánh Linh còn thực hiện liên kết với các công ty, doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất 5.000 ha lúa chất lượng cao, xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP có gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” trên diện tích 79 ha.

NGUYỄN LUÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Mở rộng “cánh cửa” việc làm cho phụ nữ
Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã luôn quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo nghề giúp nhiều hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng đi bền vững cho các hợp tác xã ở Tánh Linh