Ở trong các vùng dân cư ấy, người dân gắn kết nhau qua rèn luyện thể dục thể thao như thể cùng vượt qua khó khăn, cùng dịch chuyển sang sản xuất theo thời 4.0 và “tháp tùng” với phát triển du lịch, bên cạnh công nghiệp để tạo ra thế phát triển mới.
Trong khó có cơ hội
Trận mưa lũ 2 ngày đêm vào đầu tháng 10 đã gây thiệt hại cục bộ ở thị trấn Thuận Nam, xã Tân Lập như bồi thêm khó khăn của vùng chuyên canh thanh long Hàm Thuận Nam. Sau dịch Covid – 19, thực trạng mà ai cũng thấy là người dân trong tỉnh chuyển đổi thanh long sang các loại cây trồng khác, bán đất hoặc bỏ vườn. Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình có sự thay đổi ồ ạt đó, không chỉ vì thị trường “héo hắt” mà còn xuất phát từ các nguyên nhân khác như năng suất thấp, sâu bệnh lan rộng, trong khi chi phí tăng cao. Riêng ở Hàm Thuận Nam, nếu đến 31/3, tổng diện tích thanh long là 14.521 ha thì đến nay, con số trên còn 13.990 ha. Hơn 500 ha thanh long bị mất đã được dân, chủ yếu ở xã Hàm Thạnh, Tân Thuận, Tân Thành chuyển đổi sang trồng dừa, mít, bưởi… Điều này xảy ra ngoài suy đoán của bao người, bởi vùng chuyên canh thanh long Hàm Thuận Nam không bị giảm diện tích lớn, người dân vẫn kiên trì chăm sóc vườn, có trái bán. Theo báo cáo tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận mới đây, Hàm Thuận Nam là nơi có sản lượng thanh long dẫn đầu các huyện với khoảng cách khá xa. Ví dụ như dự kiến sản lượng thanh long của quý III, Hàm Thuận Nam đạt 70.000 tấn, trong khi Bắc Bình 10.000 tấn; Hàm Thuận Bắc, TP. Phan Thiết đều 4.000 tấn; Hàm Tân, Tuy Phong đều 400 tấn…
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hàm Thuận Nam cho biết, do địa hình vùng chuyên canh của huyện cao, lâu nay dân trồng thanh long áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tiết giảm chi phí, có nhiều kinh nghiệm nên ít bị dịch bệnh. Nhờ vậy, giá thanh long trên địa bàn cũng không quá thấp so với mặt bằng chung nên người trồng thanh long có động lực gắng vượt qua khó khăn, chờ đến lúc thị trường hút hàng, giá cao. Bên cạnh, cũng hy vọng một chuyển biến khác có liên quan đến du lịch nông thôn là nhà vườn thanh long có thể nằm trong chuỗi đón tiếp du khách tham quan vườn…
Sự trở lại… hơn xưa
Đó là hy vọng có cơ sở, vì hiện tại du lịch Hàm Thuận Nam đã khởi sắc theo từ khi đô thị du lịch NovaWorld Phan Thiet rộng cả 1.000 ha nằm kề bên với hàng trăm tiện ích đã thu hút du khách đến. Về mặt địa lý, điều đó đã khiến du khách sẵn tiếp cận du lịch Hàm Thuận Nam hơn trước. Về mặt sản phẩm du lịch, sự kề bên này đã tạo ra sự kết hợp các tour du lịch phong phú, theo hướng dưới biển - trên rừng, phố thị - nông thôn… Cách đó không xa, tại xã Tân Thành có 2 dự án du lịch lớn mang tính tổng hợp đa ngành cũng đang đẩy mạnh đầu tư và hiện đã hoàn thiện một số hạng mục, bắt đầu đón khách.
Trong khi đó, các cơ sở du lịch trên tuyến ĐT 719 vốn bỏ hoang lâu nay, vì nhiều nguyên nhân đã bắt đầu triển khai các thủ tục cho hoạt động trở lại. Một phần vì chính quyền bắt buộc các cơ sở này phải triển khai theo luật định, nếu không sẽ thu hồi. Phần khác, vì các nhà đầu tư cũng thấy cơ hội kinh doanh du lịch ở đây đã hội tụ, nhất là đã có các tập đoàn kinh doanh du lịch lớn tham gia, hệ thống giao thông đang rầm rộ hình thành, kết nối thông suốt giữa các địa phương. Cụ thể như đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành, trục đường ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà… Đặc biệt là tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với yêu cầu mới đây của ngành chức năng là cuối năm 2022 sẽ thông xe.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam, bên cạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch mà trên địa bàn huyện đã hình thành du lịch nông thôn là phát triển công nghiệp. 3 đột phá này đã tạo ra thế chân vạc mới và với sự khỏe khoắn của người dân qua chăm thể dục thể thao, gắn kết trong cuộc sống, xây dựng nông thôn mới, hy vọng sẽ tạo ra kết quả nổi bật trong thời gian tới.