Hát ru là một tài sản văn hóa phi vật thể có giá trị đặc biệt trong kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam vì hầu hết 54 dân tộc anh em trên đất nước ta đều có những làn điệu hát ru mang bản sắc độc đáo của dân tộc mình. Hơn 20 năm qua, vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang cùng nhóm nghiên cứu dân ca Việt Nam đã dày công lặn lội khắp miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ để sưu tầm “những hạt ngọc quý báu” đang có nguy cơ chìm khuất trong quên lãng. Đó chính là những câu hò, điệu lý, những làn điệu dân ca còn sót lại trong trí nhớ của những nghệ nhân cao tuổi luôn canh cánh bên lòng nỗi lo thất thoát và mai một “tài sản tinh thần” do cha ông nhiều đời để lại. Đồng nghiệp vừa trân trọng, vừa quý mến đã gọi công việc sưu tầm, khảo cứu dân ca của vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang là “hành trình đi tìm ngọc” - những viên ngọc quý hiếm của tiền nhân.
Đến nay, bạn đọc cả nước đã được cầm trên tay các công trình hết sức có giá trị do nhóm nghiên cứu Lư Nhất Vũ - Lê Giang lần lượt cho ra đời, đó là các tập sách: Dân ca Bến Tre, Dân ca Kiên Giang, Dân ca Hậu Giang, Dân ca Cửu Long, Dân ca Sông Bé, Dân ca Đồng Tháp, Dân ca Bình Dương, Dân ca Long An, Dân ca Trà Vinh, Dân ca Nam bộ, và đặc biệt là công trình mang tính chất chuyên khảo về “Hát ru Việt Nam”, dày hơn 500 trang, khổ lớn được in ấn trang nhã. Tập sách mở đầu bằng lời giới thiệu rất công phu của GS-NS Tô Vũ - nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam. Luận về giá trị đặc biệt của hát ru, GS-NS cho biết: “…Những điệu hát ru dân gian, suốt chiều dài lịch sử nghệ thuật từ Đông sang Tây, luôn luôn là nguồn cảm hứng, chỗ dựa và hình mẫu cho người sáng tác chuyên nghiệp. Hơn bất cứ loại hình dân ca nào khác, hát ru đã sớm “xâm nhập” vào âm nhạc sân khấu, biến thành những “ca điệu” (Aria) trong nhạc kịch phương Tây hay những “làn điệu” trong ca kịch truyền thống Việt Nam. Trong thanh nhạc, nó trở thành những “ca khúc nghệ thuật” nổi tiếng…”. Tiếp theo là tiểu luận của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ với tên gọi Kiểu cách hát ru Việt Nam - đồng thời là phần I của tập sách. Đây là nội dung trọng tâm, bao gồm 2 chương; đi sâu nghiên cứu, phân tích một cách khoa học về cấu trúc và những nét đặc sắc, góp phần làm nên giá trị của hát ru người Việt (Kinh) và hát ru các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Phần thứ 2 và thứ 3 tập trung giới thiệu 75 làn điệu hát ru của người Việt, 77 làn điệu hát ru các dân tộc thiểu số cùng những lời ca dao dùng để hát ru với nội dung: Nhớ ơn công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, đạo lý nhân nghĩa truyền thống, cung cách ứng xử ở đời, khát vọng cháy bỏng về tình yêu và hạnh phúc lứa đôi với nhiều cung bậc cảm xúc phong phú và đa dạng. Bạn đọc sẽ gặp lại ở đây các làn điệu ru con quen thuộc của người Việt trải dài khắp 3 miền đất nước hình chữ S, và làm đầy thêm hành trang tinh thần khi tiếp xúc với những bài hát ru đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Phần thứ 4 của tập sách, chọn lọc giới thiệu 16 bài viết của các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, nhà thơ nổi tiếng trong và ngoài nước như: học giả Vũ Ngọc Phan, nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Ra-xun Gam-da-tốp (Đaghetxtan - Liên Xô cũ), GS-TS Trần Văn Khê, PGS Tú Ngọc; các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Trần Hồng, Phạm Phúc Minh, nhà nghiên cứu âm nhạc Văn Minh Hương, các nhà thơ Nguyễn Duy, Lê Giang, các nhà văn Trầm Hương, Nguyễn Thúy Ái, nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan. Mỗi người có những suy nghĩ và cảm nhận từ các góc nhìn khác nhau về hát ru nhưng tựu trung hầu hết đều thống nhất: Hát ru là tài sản tinh thần quý báu của dân tộc, có một bề dày lịch sử rất lâu đời, là giai điệu đầu tiên chạm đến trái tim con người từ khi mở mắt chào đời.
Phần Phụ lục của tập sách, giới thiệu 34 ca khúc phát triển từ những làn điệu dân ca đặc trưng các vùng, miền được đông đảo công chúng yêu thích. Có thể kể một số ca khúc tiêu biểu như: Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý), Hát ru (Tô Vũ), Ơn nghĩa sinh thành (Dương Thiệu Tước), Lời ru trên nương (Trần Hoàn - Nguyễn Khoa Điềm), Từ trên đỉnh núi (Nguyên Nhung), Cánh cò trong câu hát mẹ ru (Phạm Tuyên - Chế Lan Viên), Bông hồng cài áo (Phạm Thế Mỹ), Lòng mẹ (Y Vân), Đất nước lời ru (Văn Thành Nho), Ca dao mẹ (Trịnh Công Sơn), Mẹ cho con câu hát quê mùa (Lư Nhất Vũ - Lê Giang), Người mẹ của tôi (Xuân Hồng), Mừng tuổi mẹ (Trần Long Ẩn)… Điều này, cũng góp phần lý giải và khẳng định một lần nữa, rằng những làn điệu hát ru của ông bà tổ tiên chính là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn đối với các nhạc sĩ sáng tác cả hôm nay và mãi mãi về sau.
“Hát ru Việt Nam” là cuốn sách không thể thiếu được đối với những ai nặng lòng với âm nhạc dân tộc nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung. Xin được mượn lời nhận xét vô cùng tinh tế và sâu sắc của GS-NS Tô Vũ để kết thúc bài viết tản mạn này: “…Những lời ru không phải chỉ để…ru - chúng còn là chìa khóa mở cửa tâm hồn (tình cảm và trí tuệ); tính cách người phụ nữ Việt Nam, và không riêng người phụ nữ, đó còn là tình cảm của người nông dân Việt Nam qua suốt chiều dài lịch sử dân tộc…”.
(*) Hát ru Việt Nam - Biên soạn: Lư Nhất Vũ - Lê Giang - Nxb Trẻ -TP. HCM, 2005.