Đầu tư ít, thu nhập khá
Từng hàng dừa không cao lắm xanh tốt tỏa bóng mát, những quầy dừa trĩu trái treo trên cây. Bà Loan ngoài 50 tuổi lúi húi trong vườn hái dừa bỏ cho mối sỉ tươi cười khoe: “Cứ qua mùa mưa là dừa ra trái ít đi, nhất là từ nay cho đến cận tết là không đủ dừa để bán cho khách! Khách của cô đa phần là người dân tại địa phương, những người bán hàng quán ở Khu du lịch Tà Cú, rồi cả mấy người quen ở Khu du lịch của thị xã La Gi họ cũng gọi điện thoại dặn bỏ mối”.
Vườn dừa đang cho trái của bà Loan
Bà Loan cho biết, gia đình “bén duyên” với cây dừa được 4 năm nay. Trước đây, trên vườn dừa rộng chừng 9 sào đất này bà Loan trồng thanh long, rồi nhiều diện tích thanh long già cỗi bà Loan nghĩ ra việc trồng xen canh dừa. Ban đầu dừa còn nhỏ hầu như không ảnh hưởng đến việc chăm sóc, thu hoạch thanh long. Bước sang năm thứ 2 khi cây dừa bắt đầu ra trái bà Loan quyết định phá bỏ diện tích thanh long. Hiện diện tích dừa đã cho trái với khoảng chừng 3 sào, số cây dừa còn lại đã hơn 1 năm tuổi. Đất ở Tân Thuận là đất thịt pha cát và thoáng khí vì vậy mà khả năng giữ nước tốt, chất dinh dưỡng dồi dào rất thích hợp trồng dừa – một loại cây trồng khá dễ tính. Theo bà Loan, nhờ đất dinh dưỡng cao mà cây dừa phát triển tốt, thời gian sinh trưởng lại ngắn, nhanh cho trái mà ít cần công chăm sóc. Với 3 sào dừa cứ 1 tháng hái trái 1 lần cho gia đình khoản thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng. Bà Loan cho biết, khoảng hơn 1 năm nữa số dừa còn lại cho thu hoạch khi đó bỏ mối cho khách dồi dào hơn, kỳ vọng gia đình sẽ có khoản thu nhập hàng tháng khá hơn. Mặt khác, do bỏ sỉ thường giữ giá bán cố định nên nguồn thu nhập ổn định mà không tăng giảm theo giá dừa trái của thị trường. “Tiền công đầu tư không nhiều mang lại giá trị kinh tế khá. Mỗi năm trồng dừa chỉ cần bón phân 1 lần, ngoài ra còn chú ý ít xịt thêm thuốc trừ loại kiến dương đục phá ở giai đoạn chuẩn bị đậu bông kết trái. Mùa hạn nắng gắt thì tưới thêm nước và cuốc rãnh giữ nước cho cây. Dừa thu hoạch xong chỉ cần dọn tàu dừa, cắt gọn bẹ dừa khô giúp cây thoáng…”, bà Loan cho hay.
Đàn heo rừng lai bán thịt
Kết hợp nuôi heo rừng lai
Tận dụng diện tích đất trống dưới tán dừa 2 năm nay bà Loan kết hợp xây chuồng nuôi heo rừng lai. Đàn heo hiện có 30 con heo thịt, 5 heo nái và 1 con heo giống. Bà Loan nói: “Đàn heo thịt này sẽ bán vào dịp Tết Nguyên đán này. Heo chỉ cần đạt trọng lượng khoảng chừng 25 – 30 kg là có thể xuất chuồng với số tiền ước chừng 60 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí nuôi chiếm khoảng 1/3 số tiền cả đàn heo bán được thì gia đình có thêm tiền trang trải tết”. Nuôi heo rừng lai nhẹ công chăm sóc, thức ăn rau, lá trong vườn nhà không phải tốn tiền cám nhiều như heo nhà. Tuy vậy, heo rừng lai vẫn còn những tập tính hoang dã là hung dữ khi sinh sản. Để có thể tự phối giống cho heo sinh sản bà Loan thường xuyên đến gần chăm sóc cho heo nái ăn, xịt nước tắm để con mẹ quen hơi dễ dàng hơn khi chăm heo con. Tận dụng diện tích dừa chưa khép tán bà Loan còn trồng chuối để lấy cây, tận dụng dây thanh long, trái thanh long hàng dạt... làm thức ăn cho heo. Phân heo thì được đào hố ủ tận dụng làm phân bón cho cây dừa tiết giảm chi phí.
Hội Phụ nữ xã thăm cách làm kinh tế gia đình bà Loan
Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Thuận cho biết: Việc trồng dừa kết hợp nuôi heo rừng lai của bà Loan là cách làm kinh tế được đánh giá hiệu quả tại địa phương khi tận dụng được các phế, phụ phẩm nông nghiệp. Đặc biệt là trong giai đoạn sản xuất nông nghiệp đối mặt nhiều thách thức vì chi phí đầu vào, nhất là phân bón tăng cao, giá nông sản bấp bênh cách làm này mở ra triển vọng giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và tăng thêm thu nhập.