Dự thảo 52 thông số
Ô nhiễm môi trường nước đang xảy ra mức độ trầm trọng trên phạm vi toàn quốc, cùng với tác động của biến đổi khí hậu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, là nguyên nhân gây lây lan các bệnh liên quan đến nước dùng cho sinh hoạt. Vì vậy, nước sạch sinh hoạt đạt quy chuẩn luôn được quan tâm hàng đầu để đảm bảo cho người dân sử dụng, an toàn sức khỏe.
Bộ Y tế ban hành Thông tư 41 quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT quy định về nước sạch sinh hoạt có 99 thông số chất lượng nước. Trong đó, 8 số nhóm A, xét nghiệm định kỳ ít nhất 1 lần/1 tháng và 91 thông số nhóm B xét nghiệm định kỳ ít nhất 1 lần/6 tháng và có thể giảm thông số do UBND tỉnh quy định trên cơ sở lựa chọn các thông số đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Đồng thời, bộ yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sinh hoạt đảm bảo thực hiện có hiệu quả.
Ban biên soạn dự thảo quy chuẩn của Bình Thuận dựa vào cơ sở nghiên cứu, các căn cứ khoa học, đánh giá thực trạng các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh; xác định, phân tích đánh giá mức độ các nguy cơ, rủi ro đối với hệ thống cấp nước, các quy định của pháp luật hiện hành, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan. Từ đó xây dựng dự thảo quy chuẩn ban hành sẽ quy định gồm 52 thông số chất lượng nước sạch và ngưỡng giới hạn cho phép; trong đó có 8 thông số nhóm A và 44 thông số thuộc nhóm B.
Thông số tùy thuộc vào thực tế
Để hoàn chỉnh dự thảo trước khi đăng tải website Sở Y tế, trang thông tin điện tử, tham mưu UBND tỉnh lấy ý kiến Bộ Y tế và Bộ khoa học & Công nghệ, một số đại diện góp ý tại cuộc họp mở rộng: Thực tế có những chỉ tiêu (thông số) không xuất hiện, nếu có, thì chỉ tiêu đó ít xuất hiện, ngưỡng phát hiện thấp hơn giới hạn. Khi đưa các chỉ tiêu không xuất hiện vào quy chuẩn, các nhà máy cung cấp nước thêm phần chi phí xét nghiệm, phân tích. Các chỉ tiêu có số điểm theo ma trận điểm nước sạch thấp hơn 6 điểm có thể không đưa vào quy chuẩn. Vì vậy, dự thảo 52 thông số quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước sạch sinh hoạt nên rút lại ít hơn, phù hợp với thực tế.
Tiến sĩ Lê Thái Hà - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp & Môi trường thông tin: “Các thông số quy chuẩn dựa vào thực trạng, đánh giá khoa học, phương pháp ma trận điểm, tùy thuộc đặc điểm của từng địa phương... Mỗi địa phương sẽ có dự thảo ban hành những thông số kỹ thuật khác nhau; có tỉnh chỉ 25 thông số, có tỉnh hơn 60 thông số…”.
Bác sĩ Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, đặt sức khỏe và sự an toàn của người dân lên hàng đầu, ban biên soạn quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước sạch sinh hoạt tiếp thu đóng góp ý kiến của các đơn vị liên quan, rà soát các thông số. Nếu thông số nào không xuất hiện, thì sẽ không đưa vào quy chuẩn. Nếu thông số nào có xuất hiện ít, hoặc ngưỡng phát hiện thấp hơn giới hạn thì vẫn đưa vào quy chuẩn. Quá trình áp dụng và theo dõi các thông số trong thời gian 3 - 5 năm, các quy chuẩn sẽ có sự thay đổi cho phù hợp với thực tế.
Để đảm bảo người dân Bình Thuận được sử dụng nước sạch, an toàn, ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương phù hợp theo đặc điểm thực tế tại tỉnh. Với quy định này mang lại kỳ vọng giảm đáng kể chi phí xét nghiệm, phân tích chất lượng nước mà vẫn đảm bảo tính an toàn cấp nước. Bên cạnh đó, quy chuẩn sẽ loại bỏ quy định chất lượng nước sạch theo vùng miền (nông thôn, thành thị) nhằm tạo sự công bằng trong sản xuất, cung cấp, phân phối nước và tiếp cận nguồn nước. Đó là chia sẻ của bác sĩ Hồng.
Ngành y tế quản lý 65 cơ sở cấp nước
Bình Thuận có 65 cơ sở cấp nước tập trung do ngành y tế quản lý. Theo phân cấp quản lý, tuyến tỉnh quản lý 24 cơ sở với hơn 1000m3/ngày đêm, trong đó 18 cơ sở nước mặt; 1 cơ sở nước ngầm. Tuyến huyện quản lý 44 cơ sở dưới 1.000m3/ngày đêm; trong đó 17 cơ sở nước mặt, 27 cơ sở nước ngầm.
Nước sạch sinh hoạt tại tỉnh do 4 nhà máy cung cấp gồm chi nhánh cấp nước Phan Thiết, Bắc Bình, La Gi, trạm cấp nước Hòa Thắng do Công ty cổ phần cấp thoát nước Bình Thuận quản lý. Bên cạnh đó, là các trạm cấp nước tập trung do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (TTNS&VSMTNT) quản lý; một số nhà máy nước do Ban Quản lý công trình công cộng Tuy Phong, Bắc Bình quản lý và một số nhà máy nước do tư nhân quản lý.