Nơi in dấu lịch sử
Lần đầu đến với ATK Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), chúng tôi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp trập trùng của núi rừng, gió ngàn vi vút, mang đậm màu sắc Việt Bắc. Trải qua 50 km từ TP. Thái Nguyên, chúng tôi đã đến được với Định Hóa. Hai bên đường, những rừng cọ xen lẫn những nương chè, những ngôi nhà sàn ẩn mình bên sườn đồi. Cuộc sống nơi đây thanh bình, giản dị đã gợi lên trong chúng tôi những cảm nhận về một không gian Việt Bắc trong kháng chiến.
Do có địa thế chiến lược về quân sự nên Định Hóa đã được chọn làm nơi xây dựng an toàn khu (ATK), là trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân pháp xâm lược. Sử sách ghi lại, khi lựa chọn nơi này là ATK, Bác Hồ đã khẳng định: Có nhân dân tốt, có cơ sở chính trị tốt là ở nơi đó “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ)”. Theo đó, trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã “vạch đường đi từng bước từng giờ” cho cách mạng Việt Nam đến ngày “kết vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Có thể nói, trong giai đoạn 1947 – 1954, ATK Định Hóa đã chứng kiến, ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Đó là, phát động phong trào thi đua ái quốc năm 1949, ký sắc lệnh thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao Chiến dịch Biên giới (1950), ra lệnh mở cửa chiến dịch Trung Du (1950 - 1951). Đặc biệt, 12/1953, tại lán Tỉn Keo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến cuộc chiến Đông Xuân (1953 - 1954) quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Những quyết sách quan trọng và kịp thời trên, đã giúp dân tộc ta thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp.
Hiện nay, Định Hóa có hơn 128 địa điểm di tích lịch sử, danh thắng dài trên 520 km2, thuộc 24 xã, thị trấn của huyện. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho ATK Định Hóa, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi trong hành trình đến với ATK là Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh đèo De. Công trình do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội xây tặng ATK Thái Nguyên nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi tri ân, thể hiện lòng thành kính của nhân dân cả nước, kiều bào và bạn bè quốc tế... Đoàn chúng tôi từ ngoài cổng từng người chỉnh tề bước vào, tất cả trang nghiêm làm lễ dâng hương, thành kính trước anh linh của Người. Tôi quan sát thấy hầu như ai cũng ngập tràn cảm xúc, biểu lộ lòng thành kính và sự biết ơn sâu sắc.
Được sự hướng dẫn của các đồng nghiệp Thái Nguyên, chúng tôi đã đến thăm những địa danh ở ATK Định Hóa đã đi vào lịch sử như đèo De, núi Hồng, đồi Khau Tý, thác Khuôn Trát, lán Tỉn Keo, Bảo tàng… Mỗi điểm di tích là một sự kiện, một tư liệu lịch sử, một câu chuyện còn lưu giữ trong sử sách, bia đá và tâm khảm mỗi con người vùng ATK.
Hoa vẫn nở trên đồi
Theo chân của hướng dẫn viên Nguyễn Thị Huyền, nhân viên Phòng Quản lý nhà trưng bày Bảo tàng ATK Định Hóa, chúng tôi tìm về lán Tỉn Keo, một trong những điểm nằm trong an toàn khu (ATK), nơi Bác Hồ từng sống và làm việc.
Đường lên lán Tỉn Keo, trải qua nhiều bậc thang. Căn nhà lán nhỏ đơn sơ nằm lưng chừng giữa đồi. Trong bộ đồ đen huyền, cổ đeo vòng bạc, Huyền thanh thoát kể cho chúng tôi nghe những năm tháng dài hoạt động cách mạng của Bác ở nơi này. Tại đây các đồng chí lãnh đạo cấp cao thường xuyên đến làm việc với Bác. Ở đây cũng diễn ra nhiều cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng. Đặc biệt, vào đêm 6/12/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng để thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân năm 1953 -1954, hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ...
Ngay trước lán làm việc, là cây hoa dâm bụt Bác trồng năm nào, giọng Huyền bỗng chùng xuống, mắt có phần đỏ hoe. Huyền kể, mặc dù công việc bộn bề nhưng Người vẫn không quên trồng cây, hoa cảnh, rau… xung quanh nơi làm việc, đặc biệt Người rất yêu thích cây hoa dâm bụt. Bởi đó là loài hoa gắn liền với tuổi thơ và cũng là hình ảnh của quê hương nơi sinh ra Người.
“Lúc em Bác còn nhỏ, mẹ sai chị Thanh (chị của Bác) hái hoa dâm bụt, lấy chỉ treo lơ lửng đung đưa dỗ em khỏi khóc. Anh em Bác thường tha thẩn chơi bên bờ hoa dâm bụt từ bên vườn nhà mình sang bên vườn ông bà ngoại. Rồi những ngày gia đình vào kinh đô Huế, một hôm anh em Bác dựng màn tuồng, dán cánh hoa dâm bụt vào má, vào trán, vào cằm, đóng vai tướng Trung, mặt đỏ. Diễn xong mấy anh em bị ngứa, gãi sưng tấy cả mặt, mẹ Bác bắt hai anh em Bác vào giường đánh roi phạt thì Bác thưa: “Mẹ ơi, mẹ nói hoa này hiền như Bụt, hoa lòng mẹ thì con mới dán lên mặt...”. Mẹ Bác phì cười: “Hoa dâm bụt hiền nhưng nhựa cây nó dữ”.” Do đó Bác tâm niệm: Nhìn bờ dâm bụt nhớ mẹ cha, nhìn ngọn cây đa nhớ làng xóm”, Huyền kể.
Mỗi chúng tôi lặng người, rưng rưng khi nghe Huyền thuyết minh: “Em của Bác là Nguyễn Sinh Nhuận, tên khai sinh là Nguyễn Sinh Xin (1900 - 1901) là con trai út trong gia đình. Sau khi sinh bé, bà Hoàng Thị Loan (mẹ của Bác) bệnh nặng và qua đời. Nguyễn Sinh Xin được gửi về quê ngoại Hoàng Trù để chăm sóc. Vì ốm yếu, khát sữa mẹ, nhà lại nghèo, Bác đã dùng mật ngọt của hoa dâm bụt cho em mình uống khỏi đói, khát và ru cho em ngủ; nhưng chỉ mấy tháng sau em đã qua đời. Có lẽ vì thế, hình ảnh cây dâm bụt đã in sâu vào tâm khảm trong suốt cuộc đời Người. Như lời Người: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi””.
Giờ đây, cây hoa dâm bụt Bác trồng năm nào, cành lá dẫu khẳng khiu nhưng vào mùa vẫn trổ bông đỏ thắm núi đồi. Về ATK Định Hóa, mỗi chúng tôi càng hiểu hơn về Người, người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.