Bình Thuận không chỉ có du lịch biển mà còn có du lịch sinh thái rừng, hồ và các di tích, đình, chùa đang là tâm điểm thu hút khá đông lữ khách trong và ngoài nước.
Hiện Bình Thuận có hơn 300 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được đưa vào nghiên cứu, bảo vệ. Trong đó, có 28 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 44 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Hầu hết các di tích đều chứa đựng giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa và đang được gìn giữ phát huy giá trị phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của nhân dân. Thời gian qua, nhiều di tích được giới thiệu, phục vụ phát triển du lịch, văn hóa đạt hiệu quả, như: Di tích Trường Dục Thanh, tháp Pô Sah Inư, Vạn Thủy Tú, đồi cát bay Mũi Né (Phan Thiết), chùa núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam), Dinh Thầy Thím (La Gi), chùa Cổ Thạch (Tuy Phong), chùa Linh Quang, vạn An Thạnh, đền thờ Công Chúa Bàn Tranh (Phú Quý), Bàu trắng, đồi Trinh Nữ (Bắc Bình)… Các di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn Bình Thuận được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành khảo sát đánh giá hiện trạng, đề xuất đưa vào kế hoạch trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị đặc trưng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân địa phương; đồng thời, góp phần đa dạng hóa sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Bởi, thực trạng hiện nay có nhiều công trình di tích do tác động của yếu tố môi trường biển, mối mọt làm các kết cấu kiến trúc vật liệu bằng gỗ, vôi vữa truyền thống bị hư hỏng, mục nát. Trong giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ngân sách tỉnh đã bố trí trùng tu, tôn tạo cho 10 di tích, trong đó có 4 di tích cấp tỉnh (đình làng Long Hương, đình làng Xuân Hòa, đình làng Lạc Tánh, vạn Tả Tân) và 7 di tích cấp quốc gia (đình làng Xuân Hội, đình làng Xuân An, đình làng Đông An, đình làng Phú Hội, đình làng Tú Luông, trường Dục Thanh, tháp Pô Sah Inư). Trong giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh tiếp tục bố trí trùng tu, tôn tạo 6 di tích cấp tỉnh (đền thờ Thầy Sải Nại – Phú Quý; đình Ông Cô, vạn Thạch Long – Phan Thiết; lăng Ông Nam Hải – Tuy Phong; Nghĩa Trủng Từ - Bắc Bình; đền thờ Pô Tằm – Hàm Thuận Bắc. Mặt khác, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo 3 di tích cấp quốc gia (đình làng Lạc Đạo (Phan Thiết); vạn An Thạnh (Phú Quý); đình – vạn Phước Lộc (La Gi). Công tác trùng tu, tôn tạo các di tích nói trên được phân khai kinh phí theo từng giai đoạn, từng năm.
Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện phương châm xã hội hóa công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa. Vì thế, mà Ban quản lý một số di tích cấp quốc gia đã vận động kinh phí trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục bằng nguồn vốn tự có của các di tích như: Chùa Hang, dinh Thầy Thím, chùa núi Tà Cú, chùa Linh Quang và các di tích khác có lợi thế phục vụ phát triển du lịch… nhằm tôn tạo điểm đến khang trang, cảnh quan môi trường sạch sẽ, tiện ích, an toàn; đồng thời, lồng ghép, phát huy giá trị các lễ hội văn hóa truyền thống tại di tích. Các di tích không chỉ được đầu tư trùng tu, tôn tạo cơ sở vật chất mà còn đầu tư trang thiết bi phục vụ nơi đón tiếp du khách và đào tạo đội ngũ quản lý hướng dẫn viên, thuyết minh viên bảo đảm yếu tố chuyên nghiệp; xây dựng phong cách phục vụ tận tình, năng động, tạo không khí gần gũi, thân tình với du khách; tạo điều kiện để du khách tham gia tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm tại các di tích. Mặt khác, một số di tích cũng đã tổ chức thêm các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trình diễn nghề truyền thống, tổ chức các trò chơi dân gian, ẩm thực, vui chơi giải trí, mở điểm bán hàng lưu niệm; tăng cường quảng bá hình ảnh, tư liêu về các di tích để du khách trong và ngoài nước biết đến giá trị văn hóa đặc trưng của mỗi di tích. Tuy nhiên, để thu hút du khách nhiều hơn các cơ sở du lịch cần tổ chức các tour, tuyến du lịch liên kết giữa các điểm du lịch di tích với các địa điểm du lịch khác, nhằm đa dạng sản phẩm du lịch trong hành trình tour, giúp du khách hưng phấn, thích thú hơn bởi được khám phá, trải nghiệm thú vị.