Theo dõi trên

Khi văn chương là một vấn đề

17/08/2018, 09:33

BT- Tôi đọc quyển sách “Bạc đầu nghe tiếng thời gian đi” của một tác giả Bình Thuận, thầy giáo Đặng Ngọc Hùng, mà lòng khấp khởi mừng thầm, vì dường như nơi quê hương chúng ta một lổ hổng vừa được lấp đầy. Không ai phủ nhận những tác phẩm văn chương luôn trông đợi người đọc nó nhưng đọc như thế nào, cảm như thế nào và coi văn chương có như “xương con cá mòi” không, tức là đặt văn chương trong cái nhìn thực dụng như cầm một đồ vật trên tay hay không?! Vậy thì trong một ý nghĩa nào đó, sau khi đọc xong quyển sách, tôi cho rằng tác giả Đặng Ngọc Hùng đã bắc một nhịp cầu cần thiết và quý giá trên hành trình sáng tạo từ nhà văn đến nhà lý luận phê bình và bạn đọc qua quyển sách mới được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 7.

Nhịp cầu ấy chính là mối tương quan kỳ lạ giữa tác giả và người viết phê bình, nó cũng không hẳn là cuộc gặp gỡ vì thật ra tác giả đã vắng bóng từ khi tác phẩm ra đời, chỉ còn đó tác phẩm và nhà phê bình, chỉ còn đó những kẻ đồng hành thân thiện hoặc xa lạ, chỉ còn đó một nơi chốn hẹn hò hoặc xâu xé nhau của những người đọc, trong đó có người viết phê bình tác phẩm. Cái sức ép để tài năng của người viết phê bình bộc lộ đó chính là đọc, cảm, phân tích, thậm chí phủ nhận sao cho văn chương trở thành một vấn đề, văn chương không phải là đời sống, nó là vấn đề tác động đến đời sống. Và tác giả Đặng Ngọc Hùng đã làm được điều đó.

Nhà văn, nhà thơ có thể ngừng bút khi kết thúc tác phẩm nhưng trí tuệ và cảm xúc của anh ấy, chị ấy thì không ngừng nghỉ nhờ vào nhà phê bình, nhờ vào những đọc giả được gợi mở, nhờ vào sự vượt thoát khỏi khuôn khổ chữ nghĩa, khuôn khổ hình ảnh và cả những nhịp điệu, nó vượt thoát để trở thành một sinh thể sống trong lòng mọi người, để cái hiện thực được phục dựng bằng ngôn ngữ quay trở lại tác động vào hiện thực đời sống mà không lặp lại hoặc tạo ra sự nhàm chán.

Tôi rất thích những góc nhìn mới, hay là cách phát hiện ra những góc nhìn mới của tác giả Đặng Ngọc Hùng.

Trong bài “Một số kiểu chi tiết trong truyện ngắn Lỗ Tấn” là một ví dụ. Tác giả không lặp lại những ý kiến phân tích trước đó như một cách sao chép trí tuệ mà tự mình tìm thấy những điều rất sâu, rất chính xác và rất mới trong những tác phẩm truyện ngắn quen thuộc.

Những khái niệm và những phân tích xác đáng về chi tiết truyện ngắn Lỗ Tấn của tác giả Đặng Ngọc Hùng gợi lên cho người đọc một cách tiếp cận sâu hơn vào tác phẩm. Các kiểu chi tiết mà tác giả nêu ra gồm: Chi tiết tình thế, chi tiết khoảng lặng, chi tiết ám ảnh, rõ ràng tác giả đã có cái nhìn chuyên nghiệp và rất trí tuệ, chỉ có sự đánh giá, phân tích tỉnh táo và sâu như vậy thì chúng ta mới được gọi là “đọc thủng tác phẩm văn chương” mà trong thực tế một số người hoang tưởng về khả năng đọc sẽ giật thót nhận ra sự hời hợt của chính mình khi đọc những dòng phân tích này.

Một thú vị khác nữa là bài viết “Truyện ngắn về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp từ góc nhìn ngôn từ nghệ thuật”. Nói về Nguyễn Huy Thiệp khó, phân tích về đề tài lịch sử từ góc nhìn ngôn từ nghệ thuật càng khó hơn nhưng tác giả Đặng Ngọc Hùng đã thể hiện tài năng của mình qua cách phân tích tỉ mỉ, chính xác, có thể nói là rất khoa học.

… Chính tư duy khoa học của tác giả đã đưa bài viết vào một chiều sâu cần thiết khi đọc và phân tích truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.

Quyển sách có tất cả 19 bài viết là 19 chuyên đề, tác giả chọn lựa chuyên đề không theo hệ thống, vùng miền, tuổi tác và sự nổi tiếng của nhà văn, việc chọn chuyên đề để viết có vẻ như tùy hứng, chẳng hạn bài “Triết học trong văn học viễn tưởng” là một chuyên đề viết về cách thức thấu thị qua những phân tích tác động của tác phẩm do Nichol chủ biên hay “Bùi Giáng: “Độc hành” “Nghịch chữ” trong dịch thuật. Đây là những chuyên đề nếu không có sự hứng khởi đặc biệt thì sẽ khó viết thấu đáo và giữ được văn phong. Những chuyên đề chưa được đề cập cụ thể trong bài viết ngắn này đang chờ bạn đọc tiếp cận với đánh giá riêng mình. Tôi rất tiếc vì khuôn khổ bài báo có hạn nên không nói được hết về độ nhạy với ngôn ngữ, về khả năng phân tích sắc bén, về thái độ trân trọng đúng mực của tác giả Đặng Ngọc Hùng qua các bài viết đó.

Cũng không nhất thiết chúng ta phải tìm đến tận cùng ngóc ngách hay phục hiện hết các liên văn bản, vận dụng hết các hình thức dụng học vào trong tác phẩm đang đọc nhưng ít ra thói quen và tư duy khoa học, ít ra con đường tìm kiếm văn chương bắt đầu từ kỹ thuật sẽ giúp người đọc hiểu, cảm tác phẩm sâu hơn, nhanh hơn. Cuộc trao đổi của tác giả Đặng Ngọc Hùng qua tuyển tập phê bình, biên khảo “Bạc đầu nghe tiếng thời gian đi” là cơ hội để những âm thanh thì thầm vang lên rõ hơn, là cơ hội để dung mạo văn chương được khai mở thành một vấn đề, không phải là vấn đề diễn đạt mà là vấn đề tư duy như văn chương vốn như thế.

 NguyỄn HiỆp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Thị xã La Gi: Khai thác tiềm năng, xứng tầm đô thị
Diện mạo thị xã La Gi đang ngày càng khởi sắc hơn với đồng bộ của kết cấu hạ tầng, thông qua những tuyến đường thảm bê tông nhựa ở nội thị, ngoại ô rộng rãi, xe cộ lưu thông thuận tiện, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan trong các dịp lễ tết, ngày nghỉ cuối tuần. Người dân địa phương đi xa có dịp trở về cảm thấy quê nhà “thay da đổi thịt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi văn chương là một vấn đề