Theo dõi trên

La Gi rộn ràng mùa mứt tết

05/01/2023, 05:09

Thời điểm này, những lò bánh, mứt tết tại thị xã La Gi lại hối hả, rộn ràng vào cho một mùa mứt tết. Tại đây, mỗi người một công đoạn, từ sên mứt cho đến phơi mứt... ai cũng tất bật để cho ra lò những mẻ mứt thơm, ngon, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày tết.

Hiện nay, bánh mứt ngoại nhập được bày bán khá nhiều tại các tiệm tạp hóa, siêu thị. Tuy nhiên những năm gần đây, nhiều khách hàng lại khá ưa chuộng những loại bánh, mứt tết truyền thống được làm theo phương pháp hoàn toàn bằng thủ công. Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chị Thái Thị Kim Phương ở khu phố 5, phường Phước Hội, thị xã La Gi… đã tự tay làm các loại mứt: Gừng, me, mãng cầu, dừa và bánh cốm tết… để bán trong dịp tết. Mặc dù làm bánh, mứt tết theo phương pháp truyền thống thì khá cực và nhọc công, bởi mọi công đoạn như nghề truyền thống của gia đình đã hơn 50 năm qua, cũng như mong muốn được tận hưởng không khí hứng khởi, hân hoan chào đón một năm mới của những ngày giáp tết. Hầu như năm nào cũng vậy, cả gia đình chị Phương lại cùng quây quần bên nhau để tạo ra những mẻ bánh mứt thơm ngon phục vụ thị trường tết.

chi-phuong.png
Gia đình chị Phương cùng quây quần làm bánh, mứt tết.

Chị Phương chia sẻ: “Vì kinh tế gia đình tôi cũng tương đối ổn định, nên những năm gần đây, cả gia đình quyết định dùng toàn bộ lợi nhuận của việc bán bánh, mứt tết để làm từ thiện, giúp cho những mảnh đời bất hạnh có điều kiện đón một cái tết ấm no, sung túc hơn”. Trong những loại bánh, mứt mà gia đình chị Phương làm ra, thì mứt dừa là một loại mứt khá được người dân ưa chuộng, đặc biệt là mứt dừa dẻo.

Theo chị Phương, để làm mứt dừa ngon, dẻo và thơm thì lưu ý đầu tiên ta phải chọn cơm dừa sao không quá cứng cũng không quá mềm. Bởi cơm dừa cứng quá, mứt dừa làm ra ăn rất xảm, còn nếu mềm thì khi sên đường không thấm và dễ bị gãy. Cơm dừa sau khi làm sạch, xả nước nhiều lần và cắt ra từng miếng, ướp đường và sên mứt. Đây cũng là công đoạn khó nhất, đòi hỏi người làm phải thật khéo tay, nếu không dừa sẽ không thấm đường và dễ bị khét. Do đó, người đứng sên mứt phải có tay nghề, sức lực dẻo dai. Đứng bên lò sên mứt, người sên mứt với 2 chiếc đũa bếp lớn, phải quấy mứt cho đều trong chảo, thao tác liên tục nhiều giờ. Cứ thau mứt này vừa xuống thì thau khác nhanh chóng được đặt lên lò, mồ hôi rơi không dứt trên người của thợ sên mứt. Họ cũng có đôi mắt nghề rất tinh tường, bằng đôi tay và ánh mắt, họ biết ngay là mứt… “đã tới”, thế là xuống chảo ngay để tránh mứt bị khét. Còn nếu như sên mứt dừa mà sên “chưa tới” thì sau khi đóng gói, mứt dừa không để lâu được, vì mứt sẽ bị… lên dầu.

Bánh, mứt là món ăn không thể thiếu được trong những ngày tết. Nó vừa là truyền thống vừa là nét duyên khi mời nhau chút mứt ngọt ngào như lời cầu chúc mọi điều thuận lợi trong năm mới.

RẠNG ĐÔNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tết Quân - Dân, nét đẹp truyền thống
Sáng ngày 4/1, Ban Chỉ đạo công tác dân vận Quốc phòng - An ninh tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức chương trình “Tết Quân - Dân”, mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão năm 2023.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Gi rộn ràng mùa mứt tết