Quanh năm bộn bề với công việc làm phụ hồ, thời gian gần tết, công việc ít hơn, anh Trung (phường Phú Thủy) ở nhà cùng vợ làm đồ gia vị bán hàng xiên que. 3 giờ chiều, vợ chồng anh mỗi người một chiếc xe đẩy rong ruổi tại các tuyến đường, công viên cho đến 10 giờ đêm mới trở về nhà. Đã 8 năm nay, vợ chồng anh không về quê ở Thanh Hóa ăn tết. “Nhớ lắm không khí sum họp gia đình, nhưng vì hoàn cảnh, điều kiện kinh tế nên chỉ lúc nào nhà có việc và vào dịp hè tôi mới cho các cháu về thăm ông bà, cô bác ở quê. Thêm nữa vào những ngày tết, lượng khách mua đông hơn ngày thường, nên chịu khó thì mỗi ngày sẽ kiếm thêm được 400.000 - 500.000 đồng. Với tôi, tết không mong gì hơn ngoài sức khỏe, bán được nhiều hàng còn lo cho hai con ăn học”, anh Trung bộc bạch.
Nỗi lo cơm áo, với những người lao động nghèo, giáp tết không phải là thời gian nghỉ ngơi, vui chơi mà là khoảng thời gian “vàng” để họ kiếm tiền. Trên đường Lê Duẩn, chị Thy đẩy chiếc xe tự chế gắn đầy những dây đeo trang trí cho ngày tết và các xấp bao lì xì liên tục mời gọi khách mua hàng. Sinh ra ở Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), cách Phan Thiết 200 km, nhưng gần 20 năm nay chưa năm nào chị về quê đón tết cùng gia đình và chị đã coi nơi đây như quê hương của mình. “Dịp này, người ta đi dạo phố nhiều, mình cũng dễ bán hàng hơn. Cố gắng bán mỗi thứ một ít, tích cóp thêm một khoản tiền nho nhỏ để ra tết đỡ lo học phí cho con, tiền nhà trọ”.
Càng gần thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, bước chân của những người lao động nghèo dường như càng trở nên hối hả hơn. Gác đi nỗi nhớ quê nhà và mâm cơm sum họp, mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, mỗi nghề nghiệp khác nhau nhưng họ đều đang tranh thủ từng ngày, từng giờ để “cóp nhặt” thêm ít tiền với mong ước mâm cơm gia đình sẽ có thêm thịt, cá và tương lai con cái họ sẽ tươi sáng hơn.