Theo dõi trên

Lễ vía nữ thần Thiên Ya Na ở Hòn Bà và vấn đề du lịch

08/05/2013, 08:11

Bà Chúa Ngọc hay Thiên Ya Na là tên gọi của người Việt có nguồn gốc, xuất xứ từ Pô Inư Na gar - một vị nữ thần của dân tộc Chăm gắn với nhiều huyền thoại linh thiêng, hiện thân cho người mẹ sáng tạo ra muôn loài và được người Chăm tôn kính gọi là bà mẹ xứ sở.

Từ rất sớm (thế kỷ X) người Chăm ở Nha Trang đã xây dựng ngôi đền tháp cổ để thờ nữ thần Pô Inư Na gar. Nhưng do biến động của lịch sử liên tục nhiều thế kỷ, người Chăm dần lui vào phía Nam và mang theo văn hóa tín ngưỡng của mình, đồng thời xây dựng đền thờ để thờ cúng Bà tại đền thờ Pô Inư Na gar ở xã Phước Hữu huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận và ở xã Phú Lạc huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận.

Thưa thớt du khách trong ngày vía nữ thần Thiên Ya Na ở Hòn Bà.

Đối với người Việt, kể từ khi giao lưu văn hóa với người Chăm,  các đời vua triều Nguyễn đã rất tôn trọng về tâm linh tín ngưỡng, ban nhiều sắc thần cho Thiên Ya Na và gọi với tên kính cẩn là Thiên Ya Na Diễn Ngọc Phi hay Chúa Ngọc Thánh Phi. Cùng với đó Nhà nước phong kiến Việt Nam còn phong tặng tước hiệu Hồng ân phổ tế linh ứng Thượng đẳng thần và bắt dân ở đó phải chuẩn y và thờ phụng.

Nhiều đợt khảo sát trong cộng đồng người Việt ở Bình Thuận cho thấy, các địa điểm xây đền thờ Thiên Ya Na có ở nhiều địa phương: đền thờ Thiên Ya Na ở xã Phan Rí Thành huyện Bắc Bình, đền thờ Thiên Ya Na ở xã Phú Lạc huyện Tuy Phong, đền thờ Bà Chúa Ngọc làng Thương Hải, đền thờ Bà Chúa Ngọc làng Hải Châu xã Ngũ Phụng, miếu Cây Da xã Long Hải huyện Phú Quý và đền thờ Thiên Ya Na ở đảo Hòn Bà phường Bình Tân thị xã La Gi. Tuy có niên đại sớm muộn khác nhau nhưng các đền thờ Thiên Ya Na của người Việt xây dựng ở Bình Thuận đều có lối kiến trúc dân gian cổ kính và nội dung thờ phụng gần giống nhau. Ngoài ra, nữ thần Thiên Ya Na còn được thờ phụng tại một số đình làng, lăng vạn ở Bình Thuận và đặt ngai vị thờ ngang hàng với thành hoàng của làng, điều đó cho thấy sự ngưỡng mộ và tôn vinh bà ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Hòn Bà là một hòn đảo nhỏ nằm ngoài biển khơi, cách bờ khoảng 2km, thuộc phường Bình Tân thị xã La Gi, khoảng từ thế kỷ XVII trở về trước, người Chăm xây dựng đền thờ và thờ phụng nữ thần Thiên Ya Na hàng năm ở đảo. Sau khi người Chăm di chuyển làng xóm đến nơi khác và không còn thờ phụng nữa, người Việt ở khu vực này đã kịp thời tiếp quản và tu bổ tôn tạo lại đền thờ, tiếp tục thờ phụng Thiên Ya Na theo phong cách của dân tộc mình từ hàng trăm năm nay. Cùng với thắng cảnh Hòn Bà là những truyền thuyết mang đầy tính tâm linh huyền thoại về nữ thần Thiên Ya Na. Sự linh hiển cũng như đức tính nhân hậu của vị nữ thần được thờ ở đây thông qua thần tích của người Chăm đã khiến cho người Việt dễ dàng tiếp thu tín ngưỡng này vào trong đời sống tâm linh tín ngưỡng và văn hóa của mình. Do vậy việc thờ phụng nữ thần Thiên Ya Na liên tục được thực hiện ở đây, dù cho bom đạn của chiến tranh có lúc làm cho đền thờ sụp đổ hoàn toàn, sau đó người dân lại góp công của tu bổ tôn tạo lại.

Các đền thờ nữ thần Thiên Ya Na ở Bình Thuận có những ngày vía bà khác nhau, riêng đền thờ Thiên Ya Na ở đảo Hòn Bà phường Bình Tân thị xã La Gi lại có ngày vía bà trùng khớp ngày vía nữ thần Thiên Ya Na ở tháp Bà Ponagar (được tổ chức từ ngày 21 đến 23/3 âm lịch hàng năm).

Từ hàng chục năm nay, việc tu bổ, tôn tạo và thờ cúng cũng như thực hiện các lễ nghi, lễ hội ở Hòn Bà của người dân được thực hiện một cách tự phát mà ít có sự quan tâm của chính quyền địa phương, nên các hạng mục kiến trúc ở đây khá lộn xộn giữa cũ và mới. Thậm chí từ việc chỉ thờ nữ thần Thiên Ya Na trên đảo với duy nhất một đền thờ bà, người ta đã tự ý dựng lên đỉnh Hòn Bà một tượng Phật bà Quan Âm, bên cạnh đền thờ nữ thần Thiên Ya Na. Cũng vì không có nguồn kinh phí nào đáng kể, chủ yếu là sự đóng góp của du khách và nhân dân địa phương nhưng rất ít ỏi, do phương tiện chở người ra đảo không đủ chuẩn, nên Đồn biên phòng ở đây không cho dân và du khách ra đảo, dù rất gần bờ. Lý do là cũng vào ngày vía bà 23/3 âm lịch năm 1986 xảy ra một vụ lật ghe, do mắc cạn nên ghe nghiêng một bên làm chết mấy chục người tại cửa biển. Do vậy từ đó đến nay rất hạn chế cho bà con ra đảo, kể cả với du khách.

Cho đến mấy năm gần đây, những khi có việc ra đảo Hòn Bà, dù đã có công lệnh nhưng chúng tôi đều phải lập danh sách báo với Đồn biên phòng mới được đi. Làm việc với các cụ già quản lý đền thờ trên đảo, các cụ mong làm sao chính quyền địa phương sớm cho bà con và du khách tự do ra đảo để họ viếng Bà và thỏa mãn về tâm linh tín ngưỡng…

Trao đổi vấn đề này với một số lãnh đạo ở địa phương, được biết lý do của Đồn biên phòng là không có ghe đủ chuẩn để chở nhân dân và du khách ra đảo, bất kể mùa nào trong năm. Thật tiếc là vào mùa này biển êm như nước trong hồ, đảo lại rất gần, nhưng hàng trăm du khách các nơi đến dự lễ vía Bà năm nay đều không được ra đảo, chỉ ở trong bờ nhìn ra, kể cả một số người Chăm từ các nơi đến phải quay về. Nghe người dân ở đây nói, doanh nghiệp Ba Thật ở thị xã La Gi đang có ý tưởng đóng một chiếc ghe lớn đủ chuẩn để đưa bà con và du khách ra đảo viếng Bà và tham quan Hòn Bà trong một vài năm tới.

Chúng tôi nghe tin rất mừng, dù sự thật còn rất xa, khi đó có thể kết nối với tuyến du lịch lễ hội vía Bà ở tháp Bà Ponagar Nha Trang để chia sẻ bớt lượng khách ở đó vào trong này, khi cùng là ngày vía Bà 23/3 âm lịch. Dịp lễ vía nữ thần Thiên Ya Na năm nay ở tháp Bà Ponagar thu hút khoảng hơn 60.000 lượt khách hành hương (có rất nhiều người Chăm ở Bình Thuận dự lễ ở đây) thì ở Hòn Bà chỉ có khoảng vài trăm du khách và người dân may mắn mới dự được lễ vía Bà. Thiết nghĩ, nếu tình hình này kéo dài như mấy chục năm qua, vẫn cấm cửa du khách không cho ra đảo, đền thờ vẫn lạnh lẽo đìu hiu thì Hòn Bà với một thắng cảnh đẹp như thế, rất lãng phí. Dù biết sự đời là thế, cái gì quản không nổi thì cấm là chắc nhất.

Nguyễn Xuân Lý



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lễ vía nữ thần Thiên Ya Na ở Hòn Bà và vấn đề du lịch