Theo dõi trên

Mặt trận Tuy Phong: Giám sát, phản biện vì lợi ích của nhân dân

13/04/2022, 05:16

Thời gian qua, công tác giám sát và phản biện xã hội tiếp tục được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp huyện Tuy Phong quan tâm thực hiện. Các chủ đề, nội dung được lựa chọn giám sát, phản biện luôn gắn với những vấn đề được nhân dân và dư luận xã hội quan tâm.

Với tinh thần nghiêm túc trong việc thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên, hàng năm Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tuy Phong đã xây dựng kế hoạch triển khai và chỉ đạo Mặt trận các xã, thị trấn thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội theo chức năng của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Theo đó, đã chủ động lựa chọn các nội dung giám sát phù hợp với tình hình thực tế, xin ý kiến cấp ủy cùng cấp và thực hiện quyền giám sát theo quy định. Qua đó, nội dung giám sát của từng tổ chức không bị trùng lắp, riêng nội dung phản biện do Ban Thường trực Mặt trận huyện chủ trì tổ chức thực hiện.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tuy Phong, công tác giám sát được tiến hành chặt chẽ, theo quy định. Quá trình thực hiện giám sát có tổ chức khảo sát thực tế, nắm bắt thông tin có liên quan nội dung giám sát. Các nội dung lựa chọn để giám sát có liên quan đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân hay những vấn đề dư luận quan tâm, bức xúc. Cụ thể, năm 2021 Mặt trận huyện đã tổ chức giám sát các chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo trên địa bàn huyện trong 2 năm 2019 – 2020 và giám sát vấn đề liên quan đến môi trường… Qua giám sát, các ý kiến, kiến nghị gửi đến HĐND, UBND huyện và các cấp, ngành liên quan đã được xem xét giải quyết, từ đó xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Cùng với đó, trong năm 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức 2 hội nghị phản biện xã hội. Đó là phản biện về dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, giai đoạn 2021 – 2025” và phản biện đối với dự thảo Đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân và các doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường, nhất là Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp trong các đô thị, khu dân cư tập trung, khu du lịch, các cơ quan, doanh nghiệp”. Các hội nghị phản biện đều có đại diện của các tổ chức chính trị-xã hội cùng tham gia. Qua phản biện, các ý kiến đã được tiếp thu, phản hồi, giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo tại hội nghị. Song song đó, công tác giám sát và phản biện xã hội ở cấp xã cũng được tổ chức nghiêm túc, nội dung giám sát chủ yếu là công tác quản lý đất đai, môi trường, việc thực hiện đạo đức, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã… Còn nội dung tổ chức phản biện chủ yếu là dự thảo Nghị quyết của HĐND cùng cấp về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Nhìn chung, công tác giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ các cấp huyện Tuy Phong ngày càng nâng cao về chất lượng, đa dạng hình thức giám sát, nội dung giám sát trên nhiều lĩnh vực, cách thức tổ chức có nhiều sáng tạo... Tuy nhiên, theo Ủy ban MTTQ huyện Tuy Phong công tác giám sát, phản biện xã hội vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể, hoạt động giám sát chưa mang tính chuyên nghiệp, đội ngũ cán bộ trong hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên tham gia giám sát còn nhiều mặt hạn chế, chưa đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Việc theo dõi thực hiện kết quả kiến nghị sau khi giám sát của đoàn giám sát đối với cơ quan, đơn vị được giám sát chưa được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức, nên tính hiệu quả chưa cao. Công tác phản biện chưa thật sự rõ nét, còn mang tính góp ý, sửa chữa câu, từ cho phù hợp.

Để tiếp tục triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội trong thời gian tới, Mặt trận huyện Tuy Phong đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Trong đó, tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có chiều sâu các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác giám sát, phản biện xã hội. Hàng năm, Ủy ban MTTQ các cấp cần nắm bắt tình hình nhân dân, đề xuất các nội dung giám sát về giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân, qua đó xây dựng kế hoạch giám sát phù hợp, cụ thể, thiết thực. Mặt khác nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết, chương trình, đề án, nhất là góp ý vào những dự thảo nghị quyết quan trọng của cấp ủy. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền...

THANH THỦY


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phát triển 3 trụ cột: Cần khẩn trương và quyết tâm hơn
Huy động và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực; phát triển toàn diện, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột: Công nghiệp (năng lượng, chế biến); du lịch, thể thao biển và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… là một trong những nội dung trọng tâm Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra. Thời điểm này, khi đã bước qua năm thứ 2 triển khai thực hiện Nghị quyết, yêu cầu đặt ra trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này cần khẩn trương và quyết tâm hơn.
Nổi bật
Khai mạc kỳ họp thứ 30 - HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI: Xem xét thông qua 7 nội dung quan trọng
BTO-Sáng nay (10/1), tại Hội trường Liên đoàn Lao động tỉnh đã khai mạc kỳ họp thứ 30 (chuyên đề) - Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận (HĐND) khóa XI. Các đồng chí: Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Tiêu Hồng Phúc - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Nguyễn Thị Thuận Bích - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mặt trận Tuy Phong: Giám sát, phản biện vì lợi ích của nhân dân