Theo dõi trên

Mùa măng rừng ở vùng sâu

01/09/2023, 05:41

Bắt đầu từ tháng 7 đến đầu tháng 10, nhiều người dân Rai ở xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam) lại gói cơm, mang nước rủ nhau lên rừng hái măng. Măng là cây phụ giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, bên cạnh sản xuất nông nghiệp.

Khi mùa mưa bắt đầu cũng là thời điểm người dân Rai ở đây tranh thủ thời gian nhàn rỗi vào rừng để thu hoạch măng. Từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Bình ở thôn 1 tất tả chuẩn bị cơm, nước khăn gói lên đường vào rừng sâu để xắn măng về bán kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày. Theo chị Bình, bắt đầu từ tháng 7, khi những cơn mưa rừng xuất hiện cũng là lúc người dân trong vùng lên rừng tìm măng về bán. Những búp măng nhú lên khỏi mặt đất được người dân xắn, bóc vỏ mang về bán kiếm thêm thu nhập. Chị Bình cho biết: “So với mọi năm, măng rừng năm nay thất thu hơn, có ngày may mắn gặp được nhiều măng thì thu nhập khoảng 200.000 - 300.000 đồng, có khi gặp ít măng thì chỉ kiếm được khoảng hơn 100.000 đồng. Nếu chịu khó cũng có thu nhập”. Tương tự, nhiều phụ nữ người Rai trong vùng cũng tranh thủ thời điểm này lên rừng để tìm măng. Sau một ngày lặn lội tìm măng ở rừng, hai mẹ con chị Mang Hằng đã thu hoạch hơn 15 kg măng rừng, với số măng này chị bán được hơn 200.000 đồng giúp chị có thêm thu nhập để mua đồ ăn hàng ngày cho gia đình và dành dụm để mua cặp, sách cho con chuẩn bị vào năm học mới. Theo người hái măng, công việc lấy măng rừng tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất vất vả, có khi gặp phải nguy hiểm. Đó là những lần họ đối mặt với nhiều bất trắc như gặp phải rắn rết, vắt rừng, bị gai đâm phải…

e95ecaa6-f0ea-4084-894c-fff750ac9649.jpeg
Người dân lấy măng về bán cho các điểm thu mua

Theo người dân địa phương, rừng Hàm Cần có các loại măng phổ biến được đặt tên theo từng loài tre như măng le, măng lồ ô, măng tre đá, măng tre gai. Trong đó, măng tre gai là loại có giá trị kinh tế và được ưa chuộng nhất, vì độ ngọt của nó và có thể nấu, hâm lại, để lâu ngày vẫn dùng được. Do đó, măng tre gai được mua với giá cao nhất, 16.000 đồng/kg, trong khi các loại măng còn lại được mua với giá 6.000 - 7.000 đồng/kg. Sau khi thu hoạch măng về, người dân thường mang đến bán tại các địa điểm thu mua để làm măng khô. Do vậy, vào thời điểm này trên địa bàn xã Hàm Cần nhiều người dân cũng mở các điểm thu mua măng tươi của bà con thu hoạch về và chế biến thành măng khô. Theo một người chuyên thu mua măng trong vùng cho biết: Cứ 10 kg măng tươi, sau khi luộc xong, xẻ mỏng và phơi khô sẽ được thành phẩm 1 kg măng khô. Măng khô tre gai có giá 280.000 đồng/kg còn măng khô le có giá 150.000 đồng/ kg. Măng sau khi được phơi khô sẽ bỏ mối phân phối các chợ trong tỉnh. Đặc biệt, các món ăn trong ngày tết không thể thiếu măng khô nên được người dân ưu chuộng, mua nhiều.

968b6fee-0a7f-433f-9b13-5bd2b4c9f0ef.jpeg
Măng rừng phơi khô

Dù công việc thu hoạch măng rừng vất vả, nhọc nhằn nhưng cũng đã mang lại nguồn thu nhập thêm phần nào đỡ đần cho người dân nơi đây những lúc khó khăn để đợi chờ mùa thu hoạch trên nương rẫy.

THANH THUỶ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bắc Bình đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Toàn huyện Bắc Bình có 18 xã, thị trấn và có 18 dân tộc cùng chung sống, trong đó có 17 dân tộc thiểu số sống tập trung tại 4 xã miền núi, 5 xã đồng bằng và 4 thôn xen ghép.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa măng rừng ở vùng sâu