Theo dõi trên

Mua mở hàng, đôi điều nghe thấy

15/04/2022, 05:47

Sau những tháng giãn cách xã hội để phòng dịch bệnh, những ngày này, những siêu thị, những cửa hàng tạp hóa, các chợ truyền thống, chợ tự phát… hoạt động rất nhộn nhịp.

Quan sát các hoạt động mua bán của người bán hàng và khách hàng ở các chợ truyền thống, chợ tự phát, các cửa hàng tạp hóa… mọi người dễ nhận thấy: Để bán đắt hàng, người bán bao giờ cũng hết sức nhã nhặn với người mua, từ lời nói, cử chỉ, thái độ. Việc chiều lòng khách, có lẽ là yếu tố hàng đầu đối với người bán, để hàng bán được nhiều, được nhanh.

10-nguoi-dan-mua-ha-ng-tai-cho-luu-dong-tai-khu-vuc-nga-tu-tran-binh-trong-nguye-n-trai-phuong3-quan-5-anh-hoang-trieu5-16326617847761725579118.jpg

Lướt qua một vòng ở các chợ, thường vào những buổi sáng sớm, người viết nhận thấy: Người bán, kể cả ở chợ truyền thống, lẫn ở các chợ tự phát, bán các mặt hàng, cả hải sản, lẫn trái cây, rau củ cùng rất nhiều các mặt hàng khác, thường có nét tâm lý: Rất coi trọng người mua mở hàng cho buổi chợ ấy ở gian hàng của mình. Đối với người Phan Thiết, bà con thường gọi là “mua mớ hàng”. Có người bán hải sản, dọn hàng ra, rất trông chị H., chị N. có mặt; mong chị H., chị N. ấy mua giúp mình một mớ cá, mớ mực, mớ tôm, dù ít cũng được. Bởi có một thực tế thường lặp đi lặp lại là: Cứ hễ chị H., chị N. ấy mua mở hàng, là ngay sau đó, rất nhiều người ghé vào hàng ấy để mua. Kết quả là, rổ hải sản ấy bán hết rất mau. Lại có hàng rau hành, người bán sợ cô D. ghé vào đầu tiên, khi hàng mới dọn ra. Bởi vì sao? Cũng từ những lần trước đó, cứ hễ hàng vừa bày ra, cô D. ghé vào hỏi mua trước hết, thì cứ y như rằng, các mặt hàng buổi ấy bán rất chậm. Theo các chị em bán ở các chợ, đó là một điều thường xảy ra. Người bán, bao giờ cũng mong là ngay khi mình bày hàng ra, trông cho có người sớm lại hỏi, trả giá một tiếng, và chấp nhận bán rẻ một chút cho người mua mau mắn, nhanh nhẹn. Người ta sợ bán cho người đầu tiên mua là người chậm chạp, khó tính. Người bán không thích người hỏi mua mở hàng chỉ hỏi, không trả một tiếng nào, lại bỏ đi. Điều ấy có lúc làm cho người bán bực dọc, khó chịu. Có phần do họ nghĩ rằng: Người hỏi trước tiên, bỏ đi; những người tiếp theo cũng sẽ như vậy.

Việc mua bán, do tài kinh doanh của người bán, do sự am hiểu tâm lý khách hàng, bán những mặt hàng có chất lượng, giá phù hợp với thị trường, giá phải chăng đối với khách mua. Việc mua bán cũng là một cái duyên. Có những cửa hàng ở gần nhau, bán cùng một mặt hàng, nhưng cửa hàng này thì khách ra vào liên tục, cửa hàng khác lại không được như vậy. Có những cửa hàng, quán xá, lúc này bán được, nhưng thời gian sau, lại không như thế nữa. Trong khi đó, có cửa hàng duy trì được đông khách rất lâu, bởi chất lượng mặt hàng được chú ý chăm chút, trước sau như nhau, không giảm sút. Cùng với đó là lời lẽ của người bán, thái độ ân cần, nhã nhặn, dễ chịu với khách hàng.

Đón người khách đầu tiên trong buổi bán, người bán coi trọng, bởi sự mau mắn từ phút mua bán đầu tiên trong ngày, đem đến cho người bán một sự tin tưởng: May mắn sẽ đến với việc mua bán của mình, khi khởi đầu một ngày mới là những thuận lợi, trơn tru!

M.THÀNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
TP. Phan Thiết: Cần giải thích, tạo sự đồng thuận cao việc tiêm vắc xin cho trẻ
Thực hiện kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, các trường mầm non, tiểu học (TH) trên địa bàn tỉnh đã tổ chức rà soát, lập danh sách trẻ trong độ tuổi để tiêm chủng. Tại TP. Phan Thiết, qua lấy ý kiến của người giám hộ, tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho trẻ tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt tỷ lệ chưa cao.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mua mở hàng, đôi điều nghe thấy