Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa Thông tin thị xã La Gi, hiện nay, trên địa bàn thị xã có 28 cơ sở tín ngưỡng; trong đó, có 5 cơ sở đã được nhà nước xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia và 3 di tích cấp tỉnh); 23 cơ sở chưa được xếp hạng, đang được các địa phương theo dõi, quản lý. Nhìn chung, các cơ sở tín ngưỡng này đã được hình thành từ rất lâu đời do các thế hệ người dân Việt Nam đến sinh sống, lập làng, mở ấp tại các địa phương tạo lập nên để thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng. Trước đây, các cơ sở tín ngưỡng qua khai phá và hình thành phần lớn sử dụng bằng chất liệu cây, gỗ, tranh, lá, đất để dựng đình, đền, dinh, vạn, miếu… làm nơi sinh hoạt. Đến nay qua nhiều lần tái tạo, trùng tu các cơ sở tín ngưỡng này đều đã được xây dựng bằng chất liệu xi măng kiên cố.
Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Văn hóa Thông tin thị xã, tình hình hoạt động của các cơ sở tín ngưỡng cơ bản ổn định, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Mặt khác, việc tổ chức các hoạt động tín ngưỡng tại các cơ sở luôn tuân thủ đúng theo các quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự đã phục vụ tốt nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương và du khách. Nổi rõ là các lễ hội như: Văn hóa du lịch Dinh Thầy Thím; Cầu ngư Vạn Tân Long - Bình Tân; Cầu ngư Vạn Tân Phú – Tân Tiến; Cầu ngư Đình và Vạn Phước Lộc; Lễ hội Hòn Bà...
Để có được kết quả đó, thời gian qua, thị xã luôn quan tâm chỉ đạo sát sao, ban hành nhiều văn bản triển khai kịp thời các quy định, hướng dẫn của Trung ương và tỉnh về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn thị xã. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và các cơ quan tuyên truyền trên địa bàn thị xã tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, ý nghĩa của các giá trị văn hóa, từ đó hình thành nên ý thức giữ gìn, bảo vệ các di sản của địa phương.
Chú trọng giám sát các hoạt động lễ hội
Những kết quả mang lại rất đáng ghi nhận, song vẫn còn những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn thị xã La Gi. Đơn cử, hiện một số cơ sở tín ngưỡng chưa có đăng ký quyền sử dụng đất; việc quản lý thu, chi, trùng tu, xây dựng tại một số cơ sở tín ngưỡng còn mang tính tự phát, chưa được quản lý chặt chẽ; vẫn còn tiềm ẩn việc lợi dụng lễ hội để tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan. Mặt khác, chưa khai thác tốt cảnh quan tại một số di tích để phục vụ công tác du lịch như Thắng tích Hòn Bà.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, theo Phòng Văn hóa Thông tin thị xã, trong thời gian tới cần có chính sách hỗ trợ để sớm công nhận quyền sử dụng đất cho một số cơ sở tín ngưỡng để tránh tình trạng người dân xung quanh lấn chiếm diện tích đất của các cơ sở tín ngưỡng. Cùng với đó, cần có giải pháp để khai thác cảnh quan phục vụ hoạt động du lịch tại Thắng tích Hòn Bà. Đồng thời, chú trọng hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động lễ hội tại di tích nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các việc lợi dụng lễ hội để tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, truyền bá đạo trái phép. Ngoài ra, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác tín ngưỡng. Gắn với đó, tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên tại các cơ sở tín ngưỡng chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để phát huy những truyền thống tốt đẹp tại các cơ sở tín ngưỡng, xây dựng và phát huy vai trò người có uy tín, lực lượng cốt cán trong các cơ sở tín ngưỡng...