Khắc phục kịp thời để hạn chế thiệt hại
Hiện đang ở vào thời điểm cuối mùa mưa, nhưng thiệt hại gây ra do mưa lớn kéo dài, vẫn ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng, tài sản của nhân dân trong tỉnh. Đơn cử, những ngày đầu tháng 10/2023, đợt mưa lớn kéo dài tại TP. Phan Thiết, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc… đã gây ngập úng, sạt lở và hư hại nhiều tài sản của nhân dân với trị giá hàng tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nhất có thể nói đến gần 20 hộ dân ở xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết) khi bị cơn “bão” cát tràn vào nhà, cuốn theo tài sản và đe dọa tính mạng. Cho đến giờ này, họ vẫn chưa hết lo lắng, bàng hoàng bởi thiên tai xảy đến bất ngờ. Mưa, cát đã cuốn theo tài sản và nhà cửa của không ít hộ dân, khiến họ rơi vào cảnh khốn cùng.
Bà Dương Thị Diễu – thôn Tiến Phú, xã Tiến Thành, một trong số các hộ dân bị ảnh hưởng lần này cho biết, từ năm 2003 đến nay, đây là lần thứ 3 xảy ra sự cố cát tràn vào nhà dân gây hậu quả nặng nề như thế. Nhìn đống đổ nát từ tủ, bàn ghế ngổn ngang giữa ngôi nhà chuẩn bị được dọn đi đổ bỏ, bà Diễu dù xót của, nhưng vẫn cho rằng gia đình mình còn may mắn hơn một số hộ khác. Ngay khi bị cát tràn vào nhà, gia đình bà ngay lập tức đã nhận được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang và chính quyền địa phương dọn cát từ trong nhà ra đường để gia đình sớm ổn định cuộc sống.
Với tuyến đường ĐT719 bị hư hỏng và cát tràn gây ách tắc giao thông qua thôn Tiến Hải và Tiến Phú (xã Tiến Thành), các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã có mặt kịp thời, khẩn trương sửa chữa, khắc phục mố cầu bị sạt lở để kịp thời lưu thông phương tiện giao thông. Đáng chú ý, tình trạng sạt lở cát trên tuyến đường này diễn ra đã nhiều năm, nhưng vẫn chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm, nên nguy cơ sạt lở cát vẫn đang rình rập bất cứ lúc nào.
Theo lãnh đạo TP. Phan Thiết, biện pháp trước mắt sẽ khắc phục bằng cách làm các đê cát ngăn nước, đào cát ao nhỏ để tích nước và tự thấm, hạn chế tụ thủy thành dòng lớn đổ cùng lúc xuống khu vực khe đất, khe suối tự nhiên đổ ra biển. Về lâu dài sẽ đầu tư cống thoát thu nước từ những điểm tụ thủy trên đồi, theo cống thoát xuống đường ĐT 719 và ra biển, khi đó sẽ thoát được nước mưa mà không mang theo cát tràn xuống đường…
Hướng đến một xã hội an toàn trước thiên tai
UBND tỉnh Bình Thuận đặt chỉ tiêu đến năm 2030, giảm tối thiểu 10% thiệt hại về người so với giai đoạn 2010 – 2020, trong đó tập trung giảm thiệt hại do lũ, lũ quét, sạt lở đất, gió mạnh trên biển. Đặc biệt, tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng trước thiên tai; tập trung khắc phục, xử lý các vị trí trọng điểm, xung yếu.
Người dân sống ở các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất được đảm bảo an toàn, hạn chế bị rủi ro khi thiên tai xảy ra. 100% khu vực trọng điểm, xung yếu về phòng, chống thiên tai được theo dõi, giám sát chủ động… Đây là một số mục tiêu cụ thể được UBND tỉnh đưa ra trong kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Thuận mới được ban hành. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời khẩn trương tái thiết, khắc phục có hiệu quả các thiệt hại sau thiên tai.
Để đạt được mục tiêu đó, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp như cần nâng cao năng lực quản lý điều hành, nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai. Trong đó cần tập huấn, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm về giảm nhẹ rủi ro thiên tai đối với cộng đồng và người dân, đưa kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình đào tạo và hoạt động ngoại khóa. Phổ biến kỹ năng ứng phó, bảo đảm an toàn trước thiên tai cho người dân, đặc biệt là tại khu vực thường xuyên xảy ra lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.
Các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về nhà ở tại khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, nơi có nguy cơ xảy ra mưa lớn, dông, lốc xoáy, sét, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nhất là đối với các hộ nghèo, khó khăn nhằm nâng cao khả năng chống chịu, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân trước thiên tai... Từ đó, mới có thể nâng cao khả năng phục hồi và tái thiết sau thiên tai, hướng đến một xã hội an toàn trước thiên tai trong tương lai.