Nước non hòa quyện
Những ngày cuối năm Tân Sửu, nắng xuân đã ngập tràn khắp mọi nơi. Đường lên 2 xã vùng cao nay đã khác. Dọc tuyến quốc lộ 28B lên Phan Lâm, Phan Sơn, nhìn xuống bên trái là hồ Sông Lũy, một công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh, mang tầm quốc gia đã nên hình, thành dáng và đang tích nước sau khi hoàn thành giai đoạn 1. Càng lên cao, không khí càng mát mẻ, bởi sự hòa quyện không khí của một bên núi, bên hồ, tạo thành một khu điều hòa, xóa tan sự khắc nghiệt, nắng nóng của thời tiết đang vào mùa khô. Màu nước từ dưới lòng hồ Sông Lũy, dưới ánh nắng mặt trời buổi sáng mai, càng thêm lung linh màu xanh ngọc, say đắm lòng người. Một người cùng đi trong đoàn với tôi tấm tắc: “Lần này đi lên vùng cao không khí thật mát mẻ, khác hẳn mọi năm. Với bức tranh thiên nhiên này, chắc chắn sẽ là điểm du lịch lý tưởng trong tương lai. Hơn thế, nhờ nguồn nước thủy lợi dồi dào, 2 xã vùng cao sẽ có những vụ mùa bội thu”.
Cuối năm, các xã miền núi lại vui mừng đón các đoàn công tác của tỉnh, huyện lên thăm, chúc mừng dịp Tết Đầu lúa và Tết Nguyên đán. Khuôn viên UBND xã Phan Lâm, Phan Sơn những ngày này tấp nập hơn thường lệ. Những lời chúc tốt đẹp mỗi dịp tết đến, xuân sang, những món quà dù không lớn, nhưng chứa chan tình cảm gửi đến đồng bào. Hôm tôi đến đây, một trong những đoàn công tác đến gặp gỡ, sẻ chia niềm vui với bà con là ông Tiêu Hồng Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn. Trong không khí ấm áp của mùa xuân, sự gặp gỡ giữa lãnh đạo HĐND tỉnh với 2 xã và các hộ gia đình chính sách, người có uy tín tại địa phương càng thêm ấm cúng. Dẫu biết, cuộc sống riêng của mỗi người, mỗi gia đình còn biết bao khó khăn, vất vả, nhưng dịp Tết Đầu lúa, họ đã tề tựu, cùng nhau chuyện trò, cùng nhâm nhi đĩa bánh, cái kẹo ngọt ngào… Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 nên các xã không đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao các xã vùng cao. Dù nghi lễ giản đơn, quy mô hộ gia đình nhưng không kém phần ấm cúng.
Niềm vui và những điều trăn trở
Cuối năm tề tựu, ông K’ Bảy- Chủ tịch UBND xã Phan Sơn chia sẻ niềm vui với đoàn, khi những thành quả đạt được trong năm vượt khó vừa qua. Đó là tổng sản lượng lương thực của xã gần 7.400 tấn. Tổng diện tích gieo trồng đạt trên 1.900 ha và tổng thu ngân sách ước đạt hơn 354 triệu đồng. Những chỉ tiêu này đều đạt và vượt so kế hoạch đề ra. Đáng phấn khởi hơn, khi năm qua 100% hộ đồng bào có điện thắp sáng và nước sinh hoạt hợp vệ sinh trong khu dân cư. Còn tại xã Phan Lâm cũng không kém, khi tổng sản lượng lương thực ước đạt trên 6.000 tấn, vượt khá xa kế hoạch 5.255 tấn. Diện tích gieo trồng trong năm của xã trên 1.800 ha, đạt 116% kế hoạch. Ở xã Phan Lâm, tôi còn nhận thấy sự đổi khác, khi diện tích cây ăn quả của xã đã tăng lên gần 500 ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất kém hiệu quả đạt gần 200 ha, chủ yếu là cây ăn quả như xoài, mít, bưởi, dừa, góp phần tăng thu nhập cho bà con trên một đơn vị diện tích…
Có được sự đổi thay đó, theo đánh giá của ông Tiêu Hồng Phúc, chính là sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân 2 xã. Lãnh đạo HĐND tỉnh cho rằng 2 xã vùng cao có điểm mới là hồ Sông Lũy đã hoàn thành giai đoạn 1. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo điều kiện tự nhiên, khí hậu, mở ra nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế. Từ đây, vùng đất khô hạn sẽ có nguồn nước tưới dồi dào, sản xuất nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng gia tăng giá trị kinh tế. Đơn cử như năm nay, nhờ thời tiết và nguồn nước khá thuận lợi, nên sản lượng lương thực của 2 xã đều vượt kế hoạch đề ra.
Nhìn lại một năm đầy khó khăn do dịch bệnh, dù đã đạt những kết quả đáng mừng. Nhưng ở vùng đất Phan Lâm, Phan Sơn này vẫn còn chứa đựng nỗi lo. Ông Tiêu Hồng Phúc nguyên là Bí thư Huyện ủy Bắc Bình nêu trăn trở với đồng bào nơi đây. Đó là 2 xã vùng cao chịu ảnh hưởng của việc thu hồi đất để xây dựng hồ Sông Lũy. Đa số bà con đã nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Nhiều gia đình vẫn giữ được đất sản xuất. Có hộ đã tìm mua được đất sản xuất ở nơi khác... Tuy nhiên, bên cạnh vẫn còn nhiều gia đình chưa chủ động được nguồn đất sản xuất. Số tiền nhận được từ đền bù, nếu không tìm mua được đất sản xuất khác chắc chắn sẽ bị tiêu pha, nhất là trong thời điểm ảnh hưởng dịch Covid-19. Khi đó, đời sống của bà con sẽ không thể ổn định, bền vững. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh mong muốn bà con cố gắng giữ lại nguồn tiền này, có sự tính toán lâu dài để có đất sản xuất, ổn định đời sống. Đồng thời, ông Tiêu Hồng Phúc cũng gợi mở thời gian tới, đối với những diện tích sản xuất da beo, địa phương phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, các phòng chức năng tạo điều kiện cho bà con thực hiện các thủ tục để có đất sản xuất trong khi chờ nguồn tái định canh.
Dù có khó khăn, vất vả, dù còn những điều trăn trở chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Nhưng rõ ràng, Phan Lâm, Phan Sơn của hôm nay đang ra sức chuyển mình. Diện mạo mới ở vùng đất “địa đầu” của tỉnh đang là nơi mang dáng dấp của một công trình thế kỷ - hồ Sông Lũy. Giữa trưa, nắng đã lên trên đỉnh đầu. Những chùm bông giấy đỏ rực dưới nắng của mỗi mái nhà ở đây khiến tôi liên tưởng đến những đổi thay sắp tới ở vùng cao này. Đó là không bao lâu nữa, tuyến QL 28B sẽ nâng cấp mở rộng, những trạm dừng chân theo quy hoạch sẽ xuất hiện. Rồi nơi hồ Sông Lũy này chắc chắn sẽ trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên lý tưởng… Khi ấy, bà con ở đây, nhất là những hộ đang thiếu đất sản xuất có thể sẽ chuyển nghề, có việc làm ở lĩnh vực du lịch. Một sự dịch chuyển kinh tế, dịch chuyển nghề nông sang thương mại, dịch vụ sẽ diễn ra, đánh dấu sự đổi thay lớn ở vùng cao này.