Đang say sưa lựa chọn, sơ chế các loại thực phẩm để thử nghiệm làm món gỏi theo phương thức mới, chị cười nói: “Dựa trên những đặc trưng của từng loại mà phối trộn, có như thế thực đơn mới đa dạng”. Nhìn bàn tay chị thoăn thoắt pha chế, cân đong, trộn nguyên liệu mới biết để làm được những món ngon cũng lắm công phu.
Với niềm đam mê nấu ăn từ bé, sau này lớn lên được học thêm lớp sơ cấp chế biến món ăn để nâng cao tay nghề, chị đã bàn với chồng mở dịch vụ ẩm thực. Bằng ý chí vươn lên và không chùn bước trước khó khăn, vợ chồng Mơ động viên nhau phải kiên trì, tích cực học hỏi với phương châm “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”. Không chỉ đảm bảo chất lượng, số lượng mà còn yêu cầu đội ngũ phục vụ luôn nhanh nhẹn, giữ uy tín để khách đến dự tiệc hài lòng thì mới có nhiều đơn hàng tiếp theo. Nhờ thế mới 4 năm kinh doanh, nhưng dịch vụ ẩm thực Hoàng Sơn của gia đình Mơ từ khắp các xã miền núi ở Hàm Cần, Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam) đến Ma Lâm, Hàm Đức (Hàm Thuận Bắc), Tiến Thành (TP. Phan Thiết) đều biết đến. Hiện có hơn 20 lao động thời vụ đang làm việc, với mức lương trung bình 10 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài làm kinh tế giỏi, Phan Thị Mơ còn là cán bộ năng nổ, xốc vác trong các phong trào của Hội. “Năm 2010, tham gia vào công tác Hội Phụ nữ xã, khi đó tôi không khỏi băn khoăn, lo lắng vì tuổi đời còn quá trẻ. Nhưng có lẽ nhờ sự gần gũi, không ngại sai nên được các cô, các chị thương chỉ bảo, giúp đỡ tận tình”, Mơ thú nhận.
Do đa phần các hội viên phải đi làm đến chiều tối mới về, trước khó khăn trên, chị nảy sinh sáng kiến tuyên truyền tại chỗ. Từ đó, mỗi khi gặp được hội viên ở bất cứ đâu chị đều tranh thủ phổ biến công tác Hội đến chị em, rồi nhờ người này tuyên truyền lại cho người khác. Nhờ đó, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như công tác Hội đều được triển khai kịp thời đến các hội viên. Nhiều năm liền, Hội LHPN xã Hàm Hiệp được đánh giá là một trong những đơn vị mạnh của Hàm Thuận Bắc trong xây dựng phong trào, mô hình sát thực tiễn. Có thể kể đến như mô hình phụ nữ với các hoạt động bảo vệ môi trường, phân loại rác thải thu gom phế liệu, “5 không 3 sạch”, xây dựng tuyến đường hoa, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, tổ phụ nữ tiết kiệm... Do đó, chất lượng sinh hoạt hội viên trên các kỳ được nâng lên, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt ngày càng đông, thu hút ngày càng nhiều phụ nữ tham gia.
Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, ngoài công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, Mơ cùng với các thành viên trong Ban Chấp hành Hội vận động hội viên, phụ nữ đóng góp kinh phí, thực phẩm, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu và làm tốt công tác an sinh xã hội giúp đỡ những hộ khó khăn trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều năm qua, đóng góp của chị Phan Thị Mơ luôn được các cấp Hội và chính quyền địa phương ghi nhận. Nhưng với chị không có sự ghi nhận nào quý giá hơn bằng niềm tin mình nhận lại từ bà con.