Theo dõi trên

Nhiều bản án hành chính còn chậm thi hành

13/07/2022, 05:49

Dù đã có hiệu lực pháp luật nhưng nhiều bản án hành chính còn chậm thi hành làm ảnh hưởng quyền lợi của các bên liên quan. Cần sớm giải quyết để không gây bức xúc trong nhân dân.

Tồn đọng

Tính đến tháng 5 năm nay, toàn tỉnh có 19 bản án hành chính chưa thi hành xong. Trong đó, người phải thi hành án là UBND và Chủ tịch UBND huyện, thị; văn phòng đăng ký đất đai... Đây là con số thuộc diện cao nhất so với các tỉnh, thành trên cả nước, “Qua theo dõi công tác thi hành án trên toàn quốc, nhận thấy Bình Thuận là một trong những điểm nóng về án hành chính. Nhiều vụ chưa được thi hành, có những vụ từ năm 2017 đến nay vẫn chưa làm xong”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Văn Lực nêu tại buổi làm việc với tỉnh.

img_3121(1).jpg
Án hành chính chủ yếu ở lĩnh vực đất đai.

Đáng lo ngại nhất là TP. Phan Thiết, nơi có án hành chính tồn đọng nhiều nhất với 15 bản, có bản án kéo dài nhiều năm như Bản án số 19/2017/HC-ST của TAND tỉnh, buộc UBND TP. Phan Thiết phải thực hiện hành vi hành chính ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất 77.782 m2 bị thu hồi tại Quyết định số 10392/QĐ-UBND ngày 23/10/2006 của UBND TP. Phan Thiết về việc thu hồi đất của ông Võ Thành Đạt, theo đúng quy định của pháp luật. Hiện thành phố đang chỉ đạo Thanh tra thành phố phối hợp với phường Hàm Tiến xác định lại cụ thể diện tích đất Nhà nước quản lý do hộ ông Đạt sử dụng trên diện tích 77.782 m2...

Ngoài ra, còn nhiều bản án chậm khác và mới nhất như Bản án số 75/2022/HC-PT ngày 20/1/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao TP.HCM, buộc UBND huyện Bắc Bình thực hiện nhiệm vụ công vụ theo quy định pháp luật về đất đai đối với yêu cầu bồi thường tài sản trên thửa đất số 293 theo biên bản kê biên ngày 8/2/2018 và bảng tính giá trị bồi thường hỗ trợ số 23/PTQĐ của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện. Bắc Bình đang thu thập thông tin tìm hướng giải quyết vụ việc; đồng thời, xin ý kiến của Hội đồng Bồi thường để có văn bản xin chủ trương UBND tỉnh về kinh phí bồi thường.

Nâng cao ý thức trách nhiệm

Theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, hầu hết người phải thi hành án trong các vụ án hành chính là UBND hoặc Chủ tịch UBND các cấp nên cơ quan thi hành án nói chung và chấp hành viên trực tiếp theo dõi thi hành án hành chính nói riêng còn nể nang, chưa cương quyết trong việc đôn đốc thi hành án hoặc kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với việc chậm thi hành và không thi hành. Có trường hợp án tuyên chưa rõ, khó thi hành dẫn đến cách hiểu và cách vận dụng chưa thống nhất, cần có thời gian để yêu cầu tòa án giải thích làm quá trình thi hành bản án kéo dài.

Để sớm giải quyết các vụ án tồn đọng, Cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục làm việc với người phải thi hành án bằng cách đôn đốc, tác động cũng như trao đổi, giải thích, hướng dẫn một số quy định của pháp luật về tố tụng hành chính trong quá trình thực hiện bản án. Đồng thời, cần mạnh dạn kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức chậm hoặc không thi hành theo quy định của pháp luật.

“Sau buổi làm việc với Bộ Tư pháp, UBND tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo toàn diện một số việc, trong đó phê bình, chấn chỉnh, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có liên quan về việc để các bản án chậm thi hành. Đồng thời, kiểm tra giám sát, ấn định thời gian giải quyết các bản án tồn đọng”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong nêu rõ quan điểm trước người phải thi hành án và đại diện các cơ quan có liên quan trong buổi làm việc với Bộ Tư pháp.

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khó khăn trong công tác thi hành án hành chính
BT- Ngay sau khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2016), UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương kịp thời triển khai thực hiện và chấp hành nghiêm túc trong việc tham gia các vụ án hành chính có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều bản án hành chính còn chậm thi hành