Theo dõi trên

Nhọc nhằn mưu sinh bằng nghề đục đá chẻ

17/02/2023, 05:49

Nếu như trước đây vào thôn Suối Sâu, xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh phải đi ra ngã ba Căn cứ 6 của huyện Hàm Tân mới vào được, còn bây giờ từ trung tâm xã đã có đường vào tận nơi với khoảng 10 km, mặc dù đường chưa được kiên cố bằng nhựa hóa.

Thôn Suối Sâu cũng đã chia tách một phần về thôn 4, xã Gia Huynh. Người dân khu vực giáp ranh 2 xã này chủ yếu sống nhờ vào nghề đục đá chẻ trong vườn rẫy để mưu sinh là chính.

mot-goc-khu-vuc-giap-ranh.jpg

Ông Trần Văn Tỷ, thôn Suối Sâu năm nay cũng chỉ mới gần 60 tuổi nhưng trông già dặn, khuôn mặt từng trải đen sạm vì nắng gió đang hì hục đục từng viên đá chẻ vẫn nở nụ cười khi thấy người lạ. Ông Tỷ chia sẻ: Mưu sinh bằng nghề đục đá chẻ rất nặng nhọc, nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nguy hiểm là vậy nhưng ông Tỷ không hề có đồ bảo hộ cho bản thân. Không kính bảo vệ mắt, không khẩu trang, đôi tay trần, thế mà vẫn dùng búa và một thanh kim loại cứng liên tục đục ra những viên đá chẻ, mảnh đá văng tung tóe. Mỗi ngày với sức của ông cũng đục được khoảng 100 viên đá chẻ. Mỗi cục bán với giá 4.000 đồng. Ông Tỷ vào sinh sống ở thôn Suối Sâu, xã Suối Kiết từ năm 2000. Thời điểm đó nơi đây hoang vu, không có điện, đường, trường, trạm. Nhà của người dân là những cái chòi nhỏ như chòi vịt. Ông Tỷ khai phá được gần 2 ha đất rẫy. Rẫy ở đây toàn là đá, vì vậy mà đã hơn 20 năm nay rẫy của ông cũng như nhiều hộ khác không trồng được bất cứ loại cây gì để kiếm thêm thu nhập. Thời gian qua, khi nhu cầu xây dựng phát triển, người dân nơi đây bắt đầu tận dụng những cục đá trong vườn rẫy để đục thành đá chẻ để bán kiếm sống qua ngày. Ông Tỷ làm nghề này khoảng 10 năm nay nhưng cuộc sống hiện tai không thay đổi là bao so với trước đây.

Cách rẫy ông Tỷ không xa chúng tôi nhận thấy một người phụ nữ trung niên mồ hôi nhễ nhại đang đang làm công việc khá nặng nhọc vốn dành cho đàn ông. Bà tên Trần Thị Ánh, năm nay 55 tuổi. Với 6 người con, trong đó 2 người đã lập gia đình 4 người con đang tuổi ăn học thì không vất vả lam lũ làm sao để nuôi con được – bà Ánh than vãn khi chúng tôi hỏi đến nghề bà đang làm. Dù công việc đục đá chẻ nặng nhọc của người đàn ông nhưng với bà đã làm nhiều thành quen. Mấy lần đầu bị đập vô tay nhiều lắm, chảy máu là chuyện thường, nhưng giờ quen rồi, với lại nếu không làm nghề này thì cũng không biết làm việc gì khác để nuôi sống gia đình. Hai người con đã có gia đình cũng sống bằng nghề đục đá chẻ này. Bởi vì rẫy của gia đình toàn là đá nếu không đục đá thì cũng không biết làm việc gì khác để kiếm sống.

Theo bà con cho biết, khu vực giáp ranh giữa thôn Suối Sâu, xã Suối Kiết và thôn 4, xã Gia Huynh có khoảng vài chục hộ. Hầu hết diện tích đất rẫy của người dân nơi đây đều có đá. Bà con cũng đã thử trồng nhiều loại cây trồng như điều, cây ăn trái nhưng không phát triển được vì bên dưới là đá. Để mưu sinh, nhiều hộ phải tận dụng những cục đá trong rẫy để đục thành đá chẻ bán kiếm sống qua ngày.

Theo lãnh đạo xã Suối Kiết và Gia Huynh cho biết: Khu vực giáp ranh này cuộc sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Mặc dù biết bà con tận dụng những cục đá trong vườn nhà để đục thành đá chẻ, quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, chủ yếu làm bằng sức lao động, mỗi năm một ít để mưu sinh, nhưng chính quyền các địa phương, ngành chức năng của huyện thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, vận động người dân tìm kiếm việc làm khác để mưu sinh. Bà con cũng chấp hành khá tốt và đang dần chuyển đổi việc làm khác để ổn định cuộc sống hơn.

NGỌC KHÁNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Dai dẳng tảo hôn ở Phan Sơn
“Dù công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhưng thời gian qua, số trường hợp tảo hôn vẫn còn cao. Những cô gái ở ngưỡng tuổi 17 đã làm mẹ, gây nhiều hệ lụy đến đời sống của chính họ và xã hội, làm giảm chất lượng dân số, chất lượng giống nòi”. Đó là lời bộc bạch của chị K’ Thị Diệp – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phan Sơn (Bắc Bình) khi nói về câu chuyện tảo hôn ở xã đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) này.
Nổi bật

Phê duyệt hơn 9,6 tỷ đồng sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu tỉnh
BTO-Chiều 1/11, ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay, Sở kế hoạch và đầu tư đã ký quyết định phê duyệt dự án Sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (cơ sở 2, đường Hải Thượng Lãn Ông). Dự án này sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhọc nhằn mưu sinh bằng nghề đục đá chẻ