Với tôi những ngày cuối năm thật sự là khó tả hết bằng lời trong dòng suy nghĩ; nhiều điều mới mẻ sẽ bắt đầu, rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn đến với mọi người khi một năm mới sắp sửa đến gần. Đây có lẽ là những dòng suy nghĩ mơ hồ của kẻ nhớ quê hương, nên chỉ cần gặp một hình ảnh quen thuộc nào đó của ngày xưa cũng làm sống dậy trong tôi một cách rõ nét những kỷ niệm của tuổi thơ. Tôi nhớ lại thuở còn nhỏ ở quê nhà, những ngày cuối năm là những ngày bận rộn, tất bật nhất. Người lớn có cái bận rộn của người lớn, trẻ em như chúng tôi thì có cái tất bật của riêng mình. Ba mẹ tôi ban ngày đầu tắt mặt tối trên cánh đồng, hết gặt lúa rồi thì cày ải đất để chuẩn bị cho vụ khoai, vụ đậu sau. Tối về nhà thì lúi húi dọn dẹp; lôi hết những nào là bình trà, ấm chén, lư đồng bấy lâu cất kỹ trong tủ ra lau chùi rửa sạch suốt cả đêm. Nhiều đêm mải mê công việc mà đến khi gà gáy canh một, canh hai khoảng mười hai giờ đêm hoặc một giờ sáng ba mẹ vẫn chưa lên giường ngủ. Bọn trẻ chúng tôi thật sự vô tư, thấy ba mẹ bận rộn là trốn cửa trước, lẻn cửa sau tụm năm, tụm ba chơi trò đuổi bắt, trốn tìm. Nhiều lúc ba mẹ nghĩ các con đã đi ngủ nên không còn tiếng ồn ào, nhưng đến khi vào giường thì không thấy anh em chúng tôi đâu, mới kêu về cho vài roi, lật đật rửa chân lên giường nằm ngủ tới sáng. Bây giờ nhớ lại, mỗi khi chiều về nhìn ba mẹ sau một ngày trăm công ngàn việc trên ruộng rẫy vừa mệt, vừa đói chỉ ăn vội vài chén cơm là lục đục dọn dẹp. Thời gian trong đêm tối, ánh đèn dầu hắt hiu và không gian tĩnh mịch nghe rõ từng bước đi, tiếng nói nhỏ nhẹ hoặc tiếng va chạm của chén đũa, xoong chảo trong lúc dọn dẹp… đã gom lại trong trí nhớ của tôi thành một âm thanh của những ngày bận rộn cuối năm ở quê nhà từ thời thơ ấu đến tận bây giờ còn vang vọng mãi.
Biết phụ giúp ba mẹ việc nhà trong những ngày cuối năm khoảng một vài năm ngắn ngủi thì tôi rời xa quê hương lên thành phố ở trọ đi học, đeo đuổi cho tương lai sau này. Đến những ngày cuối năm của thời sinh viên tôi luôn mong ngóng trở về. Một phần cảm giác nôn nao nhớ nhà, nhớ mẹ ba, ông bà, anh em sau vài tháng trời xa vắng. Một phần muốn sớm trở về đỡ đần ba mẹ một vài việc nhẹ trong nhà, nên những buổi chiều tàn, gió lạnh cuối đông là cảm giác nôn nao khó tả vô cùng. Thời gian dần trôi, khi tốt nghiệp đại học ra trường mọi bộn bề lo toan về tìm kiếm việc làm, tìm kiếm hạnh phúc riêng tư cho đời mình… đã làm cho tôi quên đi những ngày cuối năm nhiều kỷ niệm. Khi còn độc thân, sẵn sàng gánh vác công việc cho đồng nghiệp đi trước, đã lập gia đình vào những ngày cuối năm vì mình không có gì phải vội vàng, cứ đến ngày làm việc cuối cùng là lên xe về quê ăn tết. Rồi những năm sau đó, lúc đã có gia đình riêng thì âm thanh của những ngày cuối năm trong tôi lại có đôi chút khác xưa. Nào là nôn nao, mong ngóng đợi chờ, những nhớ mong khắc khoải quê nhà; nào là tiền quà, tiền tết, về quê thời gian nào là thích hợp… Nỗi lo lắng cơm áo gạo tiền đè nặng đôi vai khi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn.
Với tôi bây giờ, mỗi một năm trôi qua không chỉ thêm một tuổi đời mà trong một năm đó còn có nhiều sự kiện khác nhau trải qua, nên khoảng thời gian cuối năm chính là dịp để nhìn nhận, suy ngẫm, chiêm nghiệm về những việc đã làm được và chưa làm được của bản thân, để tích lũy kinh nghiệm trong cuộc sống. Và để hướng tới một năm mới tốt đẹp, thành công hơn. Trước tiên tôi sẽ cố gắng quên những điều đáng quên và chỉ nhớ những cái đáng để nhớ đã xảy ra trong một năm. Những điều tốt đẹp trong năm đến với mình, những người đã giúp đỡ mình thì cần ghi nhớ và tri ân để có động lực trong cuộc sống. Vì sống xa quê hương nên tôi luôn ưu tiên sắp xếp công việc hợp lý, chuẩn bị một ít kinh phí tự thưởng cho mình một chuyến đưa vợ, con về quê đón năm mới cùng với mẹ già và các em. Nếu tết năm nào cũng được về quê thì càng tốt, nhưng khó khăn lắm thì cũng cách một năm về một lần là cũng vui lắm rồi. Đoàn tụ với ông bà, ba mẹ sau một năm lao động mệt nhọc là nét đẹp văn hóa của con người, của dân tộc ta bao đời nay. Những việc như thế chỉ có khoảng thời gian dịp cuối năm là thích hợp nhất.