Theo dõi trên

Những sự kiện nổi bật năm 2023

01/01/2024, 05:29

Năm 2023, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đồng tâm hiệp lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, ghi dấu ấn với nhiều sự kiện nổi bật. Nhân dịp đầu năm mới 2024, Báo Bình Thuận trân trọng giới thiệu đến bạn đọc những sự kiện tiêu biểu của tỉnh nhà trong năm 2023 do Báo Bình Thuận bình chọn.

1. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, làm việc tại huyện đảo Phú Quý

vo-van-thung-tham-phu-quy-2-(1).jpg

Làm việc tại huyện đảo Phú Quý, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Phú Quý có thể coi như trạm nổi khổng lồ, nơi cung cấp các hậu cần nghề cá, cho các tình huống cần thiết của quốc phòng, an ninh; nơi giao lưu giữa đất liền với quần đảo Trường Sa. Do đó, phải xác định vị thế, tầm quan trọng của Phú Quý để xây dựng thế trận lòng dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ vững chắc; xử lý kịp thời, hiệu quả mọi tình huống trên không, trên biển, không để bị động, bất ngờ. Cùng với đó, Chủ tịch nước lưu ý Phú Quý cần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xây dựng cơ sở hậu cần nghề cá, hạ tầng cung cấp nước ngọt; chú trọng bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước và đất; quan tâm đời sống nhân dân, trong đó có công tác đền ơn, đáp nghĩa; Quan tâm hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của huyện đảo thật sự trong sạch, vững mạnh.

2. Chủ tịch Quốc hội làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Thuận

gggg.jpg

Làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, mặc dù có xuất phát điểm thấp về kinh tế, sau hơn 30 năm tái lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã đoàn kết, khai thác tiềm năng, lợi thế, biến cái khô, khó, khổ thành xanh sạch đẹp, trở thành địa phương phát triển khá trong khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Chủ tịch Quốc hội đề nghị thời gian tới cần thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương, xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về tư tưởng, giỏi về chuyên môn, tận tụy phục vụ nhân dân. Chủ tịch Quốc hội đồng thời đề nghị Bình Thuận khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh gắn với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển quốc gia, sớm lấp đầy các khu công nghiệp nhằm tạo công ăn việc làm và các giá trị gia tăng khác. Tập trung phát triển chuỗi giá trị bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp, hình thành chiến lược về khai thác tài nguyên du lịch, kết cấu hạ tầng, sản phẩm và doanh nghiệp du lịch.

3. Đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên”

z5026605883229_a10dad13e8598f606c29ea7b672ed9ce.jpg

Lần đầu tiên, xuất phát từ tình hình cụ thể của địa phương, Tỉnh ủy Bình Thuận đã chủ động chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mở đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên” từ ngày 2/2 đến ngày 19/5/2023 cho cán bộ, công chức và toàn thể Đảng viên trên địa bàn tỉnh. Đây là cách làm mới, sáng tạo để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn vai trò, trách nhiệm bản thân.

Qua đó, 2.607 (100%) chi bộ, đảng bộ đã tổ chức cho gần 39.000 đảng viên tự soi, tự sửa, nhìn nhận, đánh giá lại quá trình thực hiện lời tuyên thệ trước cờ Đảng, lời hứa trước cơ quan, tổ chức, nhân dân khi được kết nạp Đảng, khi nhận nhiệm vụ do được đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử. Từ đó, trách nhiệm nêu gương, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu ngày càng được nâng lên. Mỗi đảng viên đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, ra sức cống hiến, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

4. Năm Du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh”

na8m-du-lich-quo61c-gia-2-.jpg

Năm Du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” với hơn 200 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, nghệ thuật sôi động, hấp dẫn, đặc sắc, diễn ra xuyên suốt trong năm tại Bình Thuận và 41 tỉnh, thành phố trên cả nước, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách và bạn bè gần xa. Cơ hội đó đã tạo điều kiện cho du lịch Bình Thuận có bước chuyển mình mạnh mẽ. Năm 2023 là lần đầu tiên Bình Thuận đón hơn 8,5 triệu lượt du khách với tổng doanh thu du lịch đạt trên 23.000 tỷ đồng (tăng gần gấp đôi so với năm 2022). Bình Thuận đã về đích các chỉ tiêu phát triển du lịch trước 1 tháng; là 1 trong 10 tỉnh, thành phố có tổng lượt du khách và doanh thu du lịch cao nhất cả nước.

Bình Thuận với vai trò là đơn vị chủ nhà đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong việc hội tụ nhiều nền văn hóa đặc trưng, hội tụ của đất trời và lòng người một cách đầy ấn tượng. Kết quả tốt đẹp này sẽ tiếp tục lan tỏa đến các địa phương trong cả nước.

5. Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV

1-.jpg

Tháng 10/2020, Bình Thuận đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, Đảng bộ tỉnh nhà đã vượt qua không ít khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Ngày 22/8/2023, Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Hội nghị cũng đã đề ra các mục tiêu, giải pháp phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

6. Khánh thành 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây

h-h-3-.jpg

Năm 2023, 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây được đưa vào sử dụng. Tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài 100,8 km có điểm đầu ở xã Vĩnh Hảo và điểm cuối ở xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam. Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết có chiều dài tuyến 99 km đi qua tỉnh Bình Thuận (chiều dài khoảng 47,5km) và tỉnh Đồng Nai (chiều dài khoảng 51,5km).

Hai tuyến cao tốc hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ tạo kết nối giao thông, giao thương thông suốt, mà còn mở ra cơ hội bứt phá cho du lịch, kinh tế xã hội của tỉnh Bình Thuận và khu vực.

7. Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp

m-cham-2-.jpg

Hiện nay, đồng bào Chăm còn duy trì nghề thủ công làm gốm truyền thống tại làng gốm Bàu Trúc, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận và làng gốm Bình Đức, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Sản phẩm gốm Chăm được sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng cũng như làm quà tặng, trang trí các công trình nghệ thuật. Nghề làm gốm của người Chăm không chỉ đơn thuần là kỹ thuật sản xuất, tạo ra sản phẩm cụ thể mà ở đó hội tụ, chứa đựng rất nhiều bí quyết, kỹ năng, kinh nghiệm được trao truyền từ đời này qua đời khác tạo thành một nghệ thuật. Với những giá trị được ghi nhận từ nghệ thuật làm gốm của người Chăm, tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Đây là sự khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam trong Kho tàng Di sản văn hóa thế giới. Di sản văn hóa nghệ thuật làm gốm của người Chăm từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại.

8. GRDP tăng 8,1%

Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 8,1% so với năm 2022, vượt kế hoạch đề ra và đứng thứ 14/63 tỉnh, thành cả nước và 4/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Kết quả trên là tiền đề quan trọng để Bình Thuận bứt phá hơn nữa trong những năm tiếp theo.

9. Điểm nghẽn về quy hoạch khu vực dự trữ titan được tháo gỡ

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1277/QĐ-TTg phê duyệt 93 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia với 10 loại khoáng sản, gồm: Than năng lượng, quặng chì kẽm, quặng cromit, quặng titan, quặng bauxit, quặng sắt laterit, đá hoa trắng, cát trắng và quặng đất hiếm. Theo quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giảm diện tích dự trữ titan của Bình Thuận từ hơn 82 ngàn 700 hecta xuống còn hơn 54 ngàn 300 hecta, đồng nghĩa với việc 28.383 hecta dự trữ titan của Bình Thuận đã được đưa ra khỏi quy hoạch. Việc Chính phủ đưa ra ngoài khu vực dự trữ khoáng sản titan tới hơn 28.383 ha và quy định cụ thể thời gian từng vùng dự trữ là cơ hội để Bình Thuận chấp thuận các dự án kinh tế tầm cỡ, góp phần thúc đẩy kinh tế, nhất là vùng ven biển trong những năm tới.

10. Đại hội Công đoàn tỉnh Bình Thuận lần thứ 11 và Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận lần thứ IX

cong-doan-2-.jpg
dsc_5629.jpg

Với tinh thần “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội Công đoàn tỉnh Bình Thuận lần thứ 11 đề ra mục tiêu: Nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đáp ứng kịp thời yêu cầu trong tình hình mới; trọng tâm là đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh toàn diện, đội ngũ cán bộ công đoàn có bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2023-2028 gồm 35 đồng chí; đồng chí Đỗ Hữu Quy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận. Đại hội cũng đã bầu 10 đồng chí tham dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.

Cũng trong năm 2023, Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận tổ chức Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 - 2028 với sự tham gia của 248 đại biểu ưu tú, đại diện cho gần 150.000 cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh. Đại hội đã bầu 27 đồng chí vào Ban Chấp hành Hội nông dân tỉnh Bình Thuận. Ông Nguyễn Phú Hoàng tiếp tục được tín nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

BBT


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tánh Linh: Thành lập Hội Cựu Công an nhân dân
Ngày 29/12, Ban vận động thành lập Hội Cựu Công an nhân dân huyện Tánh Linh tổ chức Đại hội thành lập Hội Cựu Công an nhân dân huyện Tánh Linh, nhiệm kỳ 2023-2028.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những sự kiện nổi bật năm 2023