Theo dõi trên

“Ông già và biển cả”

11/02/2022, 06:19

Quá nửa đời lênh đênh trên sóng nước, nếm trải đủ những nhọc nhằn, khắc nghiệt của nghề, nhưng ông vẫn bám biển. Chỉ đến khi sức khỏe không còn cho phép, ông gửi ước mơ lại cho các con trai mình…

dsc_8255.jpg
Ảnh: Đ.Hòa

“Sợi dây” nối với biển

Đầu năm, xưởng sản xuất dây thừng, dây bố Tiến Phát ở khu vực Bến Đò (khu phố Giang Hải – thị trấn Phan Rí Cửa – Tuy Phong nhộn nhịp như làm bù cho những ngày nghỉ tết. 3 chiếc máy quay dây chạy liên tục, không ngừng nghỉ để kịp lô hàng đầu năm cho khách. Đây cũng là nơi duy nhất của huyện cung cấp các loại dây cho tàu thuyền trong và ngoài tỉnh. Ông Võ Mao, chủ xưởng sản xuất này đã qua tuổi 60 vốn là ngư dân, nhận thấy nhu cầu về dây thừng trên tàu cá rất cao, do đó năm 2009, không chịu cảnh rảnh tay sau khi nghỉ biển, ông mày mò tạo dựng xưởng sản xuất các loại dây thừng, dây bố cho nghề biển. Những kinh nghiệm đúc kết từ mấy chục năm bám biển đã phần nào hỗ trợ ông trong việc sản xuất ra các loại dây phù hợp cho từng nghề.

Gần như trong những câu chuyện kể của ông đều chứa đựng tình yêu bao la với biển cả. Bởi ở đó không chỉ là nơi 4 đời nhà ông mưu sinh, gắn bó, mà còn là khát vọng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Như bao chàng trai khác ở xứ biển, 13 tuổi ông Mao đã nhảy tàu theo cha ông lênh đênh trên biển cả. Những trải nghiệm đầu đời nơi đầu sóng, ngọn gió vô cùng cực nhọc, đã thu hút ông khi ấy gắn bó lâu dài với nghề biển suốt gần 40 năm. Khi mở nghề trên đất liền, ông cũng vẫn bị thu hút từ những điều trở ngại như thế và rồi tìm cách khắc phục nó.  

Ông kể: “Trước đây, ngư dân phải đặt hàng ở TP. Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh Bình Định, Quy Nhơn để mua dây phục vụ nghề biển. Thấy vậy, tôi mua 1 cái máy đánh dây từ TP. HCM về làm thử. 3 năm đầu không có kinh nghiệm nên dây làm ra không chắc, bện với nhau không chặt, dây không đều, đẹp. Sau đó, tôi tự mày mò, nghiên cứu từng loại dây, kích cỡ phù hợp cho từng nghề như đi lộng, đi khơi hoặc loại dây dùng nhiều cho từng công đoạn đánh bắt cá… Càng về sau, dây làm ra được khách hàng phản hồi tốt, đơn đặt hàng tới tấp. Càng làm càng mê, nên tôi tự mình sáng chế thêm 2 máy quay dây dựa trên cái sẵn có, để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng đáp ứng đơn hàng của khách trong và ngoài tỉnh”.

1 mình cai quản xưởng hơn 10 năm nay đã giúp ông Mao phần nào đỡ nhớ biển. Không chỉ vậy, từ xưởng sản xuất chỉ cần vài bước chân là có thể nghe tiếng í ới của mấy phụ nữ đang ngã giá khi cá, tôm về, phía đối diện nhà ông là hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ đậu san sát nhau khi cập bến. Vì thế, dù đã nghỉ biển hơn 15 năm, nhưng khi tôi hỏi về kinh nghiệm vươn khơi ngày xưa, ông kể vanh vách. Bởi những kinh nghiệm ấy đã được gợi nhớ và truyền vào từng sản phẩm dây thừng, dây bố để hỗ trợ ngư dân đánh bắt. Hơn thế, trong nhà ông có 2 con trai vẫn gắn bó với biển qua từng chuyến ra khơi trên 2 con tàu 250CV và 550CV. Ông ví von đó là những “sợi dây” kết nối ông với biển.

Nối nghiệp

Thời đó, chưa có dự báo thời tiết, chưa có la bàn, cũng như thiết bị định vị, máy dò đứng, dò ngang… ngư dân vươn khơi dựa vào kinh nghiệm là chính. “Hầu như ngư dân nào đi biển đều biết nhìn sao đoán hướng, sẽ cho tàu theo sao Máng liệt nếu đi về hướng Tây Bắc và sao Bánh lái nếu đi về hướng Đông. Vào ban đêm, tôi sẽ nhìn con nước, nếu nổi sáng, lấp lánh đều mặt biển (hiện tượng cá chạy làm nước sáng) thì thời tiết đang thuận lợi cho việc vươn khơi. Nhưng nếu thấy nước vẩn đục, có nhiều rêu, hoặc nước biển lại đột ngột chảy xiết là dự báo thời tiết diễn biến bất thường, nhiều khả năng trời sắp có bão, gió to sóng lớn”, ông Mao nhớ lại. Những lần đánh bắt vào ban đêm, biển tối bưng, nhưng ông vẫn dò tìm được rạn nào có cá mà dẫn dụ, vây bắt. Ông Mao bảo: “Biển khơi mênh mông chỉ có “tuyệt chiêu” đọc được thời tiết, dò tìm được luồng hải sản mới có cá mực đầy khoang”.

Ông Mao vừa uống ngụm trà, vừa say sưa kể cho tôi nghe về quy luật sinh sản của các loài cá, cũng như kinh nghiệm đánh bắt cá như ăn sâu vào tiềm thức. Nắm rõ quy luật của các đàn cá, cũng như săn bắt cá theo mùa, cộng với kinh nghiệm dày dạn, nên chuyến biển nào vươn khơi, ông Mao cũng “trúng lớn”. “Thời đó đi biển ham lắm, tôi đi lưới rê rồi chuyển sang vây rút chì, cứ vài 3 ngày là cá đầy khoang, nhất là vào mùa cá nam. Hầu như các loại hải sản nói chung đều ưa sáng, nên ngư dân thường chong đèn thu hút cá, nhưng khi kéo lưới vây lên khỏi mặt nước thì nhất định phải giảm sáng, vì thay đổi môi trường đột ngột sẽ khiến đàn cá tìm cách đâm đầu xuống đáy lưới, vừa làm cá thương tích vừa có thể bị vỡ lưới... Nhờ kinh nghiệm cũng như định vị được những ổ cá dày, đôi lần chúng tôi “hốt” trọn mẻ, vui như hội”, ông Mao bồi hồi nhớ lại và cười giòn.

Bôn ba bao năm trên biển, ông Mao sắm được 2 chiếc tàu, rồi dìu dắt 2/4 người con trai của ông theo nghiệp biển. Năm 2004, khi thấy các con đã trưởng thành, ông Mao giao hẳn cho con, dành thời gian tham gia các công tác xã hội tại địa phương. Những kinh nghiệm đánh bắt của ông truyền lại cho con cùng sự nhanh nhạy trong áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào đánh bắt của lớp con cháu đã giúp gia đình ông ở lại nghề biển đến giờ, dù ngư trường đã không còn nhiều tôm cá như trước đây khiến không ít gia đình bỏ biển lên bờ. “Nếu không may gặp thời tiết phức tạp, thông tin bị gián đoạn, việc kết hợp giữa kinh nghiệm dân gian cùng với tiến bộ khoa học là điều cần thiết để đối phó với biến đổi khí hậu, chủ động trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Kinh nghiệm dân gian được đúc kết qua nhiều đời, nên sẽ là kim chỉ nam quan trọng trong những chuyến ra khơi của ngư dân” - ông Mao luôn dặn dò các con như thế.

2 lần được ra thủ đô

Chuyện nắm vững quy luật của biển giúp ông có thu nhập cao, nhiều năm liền là ngư dân sản xuất giỏi, ông rất vui nhưng điều ông tự hào là 2 lần ra Hà Nội. Với ngư dân rong rủi trên biển 1 đời, tôi hiểu niềm tự hào ấy của ông rất chính đáng. Không phải có tiền đi du lịch, đây là ông được đại diện của 1 vùng biển ra thủ đô. Lần đầu là năm 2007, sau nhiều năm liền là ngư dân sản xuất giỏi cộng thêm gia đình luôn hòa thuận, êm ấm, con cháu trưởng thành nên ông Mao vinh dự đại diện cho huyện Tuy Phong ra Hà Nội dự hội nghị tôn vinh gia đình văn hóa tiêu biểu lần thứ 1. Lần thứ 2, vào năm 2012, đó là năm ông Mao được tín nhiệm giữ vai trò Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Phan Rí Cửa, ra thăm Lăng Bác và dự Đại hội Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam.

Nhờ sự nhiệt tình, làm việc đâu ra đó, các thành viên trong nghiệp đoàn thời gian đầu liên tục gặp nhau chia sẻ kinh nghiệm đánh bắt, ngư trường, cũng như được tuyên truyền Luật Biển quốc tế, vùng biển nước ngoài… Đặc biệt, các thành viên trong nghiệp đoàn thường xuyên khai thác theo đội, nhóm nên các chuyến biển hoạt động an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, sau 9 năm “vác tù và” không lương, do không có chi phí duy trì, Nghiệp đoàn nghề cá Phan Rí Cửa cũng tạm “đóng băng”. Nhưng các thành viên cần gì, ông đều hỗ trợ nhiệt tình, cũng như luôn động viên các con phải có lòng tin “biển sẽ không phụ mình”. Tôi bỗng nhớ mình đã học tác phẩm văn học “Ông già và biển cả” và nhận ra sự khẳng khái của “ông già” trước mặt mình qua câu ông nói: “Mỗi chiếc thuyền giương cao lá cờ Tổ quốc nối đuôi nhau vươn ra biển lớn, sẽ là những chấm đỏ tự hào, là những cột mốc sống trong hành trình bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

PHÓNG SỰ: MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tạo chuỗi sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường
“Mô hình kinh tế tuần hoàn: Tái sử dụng nguồn nguyên liệu tạo ra chuỗi sản phẩm nấm linh chi, nấm rơm, rau mầm, phân hữu cơ góp phần tăng hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường” của anh Lê Việt Kỳ, Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (trung tâm) thuộc Sở Khoa học & Công nghệ đã nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh dành cho giải ba qua tổng kết cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận vừa qua.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Ông già và biển cả”