Theo dõi trên

Phát triển du lịch: Phải tìm hướng đi mới

22/04/2022, 05:33

Bình Thuận từng đặt ra mục tiêu trở thành vùng du lịch trọng điểm của quốc gia và cao hơn là một điểm đến tầm cỡ quốc tế trên bản đồ du lịch toàn cầu, song có lẽ đây không phải là một mục tiêu dễ dàng, bởi lẽ bên cạnh những thuận lợi đáng kể, Bình Thuận đang đối mặt với nhiều khó khăn phải vượt qua để phát huy tối đa tiềm năng du lịch, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 càn quét toàn cầu đã làm mục tiêu ấy trở nên càng khó khăn hơn, đòi hỏi phải tìm ra hướng đi mới.

luot-van-dieu.jpg.jpg
Lướt ván diều ở biển Mũi Né. Ảnh: Ngọc Lân

Thuận lợi và khó khăn

Bình Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018. Theo đó Bình Thuận là một địa phương trọng điểm trong quy hoạch phát triển du lịch quốc gia và thành phố Phan Thiết trở thành đô thị du lịch trọng điểm để trở thành khu vực ưu tiên phát triển du lịch của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa tỉnh sẽ nhận được hỗ trợ ngân sách Trung ương để phát triển hạ tầng du lịch trong đó có các dự án quan trọng về giao thông, đồng thời trở thành nơi mà các nhà đầu tư quan tâm đến những tiềm năng, lợi thế mà Bình Thuận đang sở hữu, nhất là lĩnh vực đất đai và du lịch. Đặc biệt với vị trí gần thành phố Hồ Chí Minh, nhiều du khách nội địa đi nghỉ cuối tuần ở Bình Thuận với giá cả hợp lý và những địa điểm tham quan đa dạng, Bình Thuận ngày càng thể hiện một cách tự nhiên bản sắc sinh hoạt thường nhật của tỉnh, trở thành một điểm đến nổi tiếng và hấp dẫn hơn, qua đó tạo ra một môi trường tươi đẹp phù hợp cho cả người dân địa phương cũng như du khách trong và ngoài nước. Với mục tiêu trở thành vùng du lịch trọng điểm của quốc gia và cao hơn là một điểm đến tầm cỡ quốc tế trên bản đồ du lịch toàn cầu, song có lẽ đây không phải là một mục tiêu dễ dàng đối với Bình Thuận, bởi lẽ bên cạnh những thuận lợi đáng kể, Bình Thuận đang đối mặt với nhiều khó khăn phải vượt qua để phát huy tối đa tiềm năng du lịch. Dù hiện nay Bình Thuận đã có hệ thống giao thông kết nối tương đối đầy đủ cho các du khách nghỉ cuối tuần từ những tỉnh, thành lân cận, song thời gian đi lại và điều kiện giao thông vẫn là một thách thức đối với du khách quốc tế và du khách nội địa từ các tỉnh, thành xa hơn. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề quản lý rác thải của tỉnh hiện chưa hiệu quả và cần được cải thiện để giảm thiểu ô nhiễm cho các bãi biển và điểm du lịch trong tỉnh. Mặt khác tác động từ biến đổi khí hậu là một thách thức dẫn tới tình trạng xâm thực diễn ra tại các bãi biển xinh đẹp của Bình Thuận, đây thực sự là một vấn đề cần được kiểm soát... Những hạn chế, khó khăn hiện hữu ấy, cùng với ảnh hưởng to lớn từ đại dịch Covid-19 đã làm nhiều mục tiêu của du lịch Bình Thuận khó khăn hơn và mất đi rất nhiều cơ hội, đòi hỏi phải tìm ra hướng đi mới.

tranh-tai.jpg

Giải pháp cần thiết

Trong nhiều nhiệm vụ và giải pháp, thì điều kiện cần đầu tiên để thúc đẩy phát triển du lịch là phải đẩy mạnh xây dựng phát triển hạ tầng một cách đồng bộ, gắn với bảo vệ môi trường, tập trung phát triển nguồn nhân lực và các dịch vụ du lịch chất lượng cao. Để đạt được các mục tiêu trên, phải triển khai đồng bộ xây dựng hạ tầng giao thông và đầu tư vào các điều kiện hỗ trợ khác. Cùng với việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, Bình Thuận sẽ tăng cường công tác bảo vệ môi trường, thiết lập và hoàn thiện chương trình quản lý chất thải, xây dựng kế hoạch bảo vệ bờ biển… để làm nền tảng quan trọng cho sự tăng trưởng bền vững của ngành du lịch Bình Thuận, qua đó sẽ đảm bảo các yếu tố giao thông thuận tiện, môi trường xanh, sạch, an toàn, bảo tồn văn hóa và gìn giữ các tài nguyên thiên nhiên đặc trưng của tỉnh... Song bên cạnh đó, tỉnh cần có các giải pháp đem lại trải nghiệm tốt hơn cho du khách, đưa ra các quy định về điều kiện giao thông cần thiết, phát triển các loại hình giao thông thân thiện với môi trường hơn như xe golf chạy bằng điện hoặc xe ba bánh chạy bằng điện để thay thế dần các loại hình giao thông truyền thống khác trong quá trình phục vụ du khách. Tóm lại tỉnh phải ưu tiên phát triển đồng bộ từ hạ tầng giao thông đến bảo vệ môi trường, đồng thời phát triển các dịch vụ công ích quản lý chất thải, duy trì điều kiện vệ sinh để bảo vệ môi trường và các tài nguyên quan trọng. Đồng thời, đẩy nhanh các thủ tục hành chính để các nhà đầu tư mới sớm hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án du lịch lớn, tạo hạt nhân lan tỏa và sức hút du lịch. Nghiên cứu tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng để có được nguồn nhân lực trình độ cao song song với phát triển dịch vụ chất lượng cao, cung cấp nhân lực có chuyên môn cho ngành du lịch với nhiệm vụ quảng bá hình ảnh về quê hương và con người Bình Thuận giúp cho du khách gần xa hiểu thêm về đất và người Bình Thuận…

hoa-thang.jpg.jpg
Đường Hòa Thắng - Hòa Phú. Ảnh: Ngọc Lân

Theo Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An: “…về lâu dài, cùng với quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến 2050, Bình Thuận phải tính toán quy hoạch lại không gian du lịch một cách bài bản hơn, tránh tình trạng đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đẳng cấp; khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng về biển, cảnh quan thiên nhiên, những đặc trưng văn hóa để làm phong phú hơn các loại hình du lịch, đẩy mạnh phát triển những loại hình du lịch đang có sức hấp dẫn du khách như du lịch thể thao biển, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe, dưỡng lão, du lịch mạo hiểm, du lịch nông nghiệp, sinh thái…”

BẢO TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ngành văn hóa, thể thao và du lịch: Hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố, phòng Văn xã huyện Phú Quý; Ban Quản lý các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, các cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ du lịch hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển du lịch: Phải tìm hướng đi mới