Theo dõi trên

Phỏng vấn đầu năm: Xây dựng Bình Thuận trở thành nơi “để xa mà nhớ, để chưa đến thì muốn đến” (*)

05/01/2023, 09:17

Mùa xuân đánh dấu một năm cũ đã qua và khởi đầu một năm mới, với những dự định và hy vọng mới. Trước thềm năm mới, Tòa soạn trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.

Từ những thành tựu…

Kính thưa đồng chí Bí thư, đồng chí cho biết những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận của tỉnh Bình Thuận năm 2022?

Đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy: Sau những khó khăn bởi đại dịch Covid-19 gây ra, năm 2022, chúng ta đặt ra mục tiêu là phải sớm phục hồi, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, để bù đắp lại cho sự sụt giảm của 2 năm trước đó. Tuy vậy, năm 2022 lại có những khó khăn mới, xung đột Nga - Ukraina gây ra những biến động lớn, khó lường; giá cả xăng dầu, vật tư, phân bón, thiết bị đầu vào sản xuất tăng cao; kinh tế thế giới suy giảm, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, áp lực lạm phát cao, thị trường bất động sản ngưng trệ… Bên cạnh đó, trong tỉnh có một số khó khăn nội tại tác động không thuận lợi đến động lực thúc đẩy tăng trưởng. Tình hình trên làm cho kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 của tỉnh bị ảnh hưởng sâu sắc.

bi-thu.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ sân bay Phan Thiết. Ảnh: Đ.Hòa

Tuy nhiên, với sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân, chúng ta đã từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế thấp nhất những tác động từ bên ngoài, tháo gỡ những trở ngại từ bên trong, phát huy nội lực, có những bước đi phù hợp. Nhờ vậy, kinh tế của tỉnh phục hồi khá đều trên cả 3 trụ cột là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp, 16/17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2022 tăng 7,75% so với năm 2021. Ngành du lịch phục hồi rất ấn tượng, tổng lượng khách đến Bình Thuận đạt hơn 5,7 triệu lượt, doanh thu du lịch tăng gấp 3,22 lần năm 2021. Cùng với đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp ổn định. Hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu trở lại bình thường, thông suốt; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 23,09% so với năm 2021; tổng thu ngân sách nhà nước tỉnh ước đạt 11.300 tỷ đồng, vượt 33,13% dự toán. Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho nhân dân được thực hiện đầy đủ, kịp thời; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định. Năm nay, tỉnh đã tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1992 - 2022), qua đó, đã nhìn nhận, đánh giá lại tiềm năng, thành tựu và triển vọng phát triển của tỉnh, tạo được niềm tin và sự phấn khởi trong nhân dân cũng như trong cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận đạt kết quả khá toàn diện. Các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương đã được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, cụ thể hóa triển khai thực hiện kịp thời. Cùng với 04 nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp, phát triển du lịch, phát triển công nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được ban hành trong năm 2021, Ban Chấp hành đã ban hành thêm 02 nghị quyết quan trọng là: Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII). Đội ngũ cán bộ các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn, trong đó, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm. Đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của Đảng, tham nhũng, tiêu cực với phương châm không có ngoại lệ, không có vùng cấm… Những sai phạm, khuyết điểm qua thanh tra, kiểm tra đã được kiểm điểm sâu sắc, rút ra bài học kinh nghiệm và biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, tránh xảy ra những trường hợp tương tự trong thời gian tới.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng hướng về cơ sở, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo ngày càng tốt hơn cho đoàn viên, hội viên và nhân dân. Khối đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố và phát huy. Có thể khẳng định, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, những kết quả đạt được của tỉnh trong năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra động lực để tỉnh phát triển nhanh hơn trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

z3979326139705_d1d69e1dce9facc020ce797484f495e4.jpg
"Tôi mong muốn đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các địa phương thực sự gương mẫu đi đầu, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung" - Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An

… đến những trăn trở

Những “điểm nghẽn”, hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội làm đồng chí Bí thư trăn trở?

Đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy: Mặc dù kết quả đạt được là rất quan trọng, song soi rọi với các nghị quyết, chương trình, kế hoạch năm 2022 thì chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém như: Tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ ở mức khá, không như kỳ vọng. Quá trình tái cơ cấu kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa tạo ra những chuyển biến rõ rệt. Tiến độ xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung, trong đó có một số công trình trọng điểm của tỉnh như: Hồ chứa nước Kapét, Cảng hàng không Phan Thiết, Kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm), đường ĐT 719B, Cầu Văn Thánh… còn chậm. Một số bất cập trong chủ trương đầu tư nhiều dự án du lịch, điện gió, điện mặt trời, nông nghiệp công nghệ cao chưa được tháo gỡ. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, trật tự xây dựng vẫn còn nhiều yếu kém; vệ sinh môi trường chưa sạch đẹp. Mặc dù một số chỉ số đo lường về sự hài lòng của người dân, năng lực cạnh tranh của tỉnh được cải thiện đáng kể nhưng cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính chưa có chuyển biến tích cực. Điều đáng quan tâm nhất, là có tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ, đảng viên lãnh đạo, quản lý chưa sát sao trong công việc, có biểu hiện sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm tham mưu, giải quyết công việc hoặc “đùn đẩy” từ nơi này sang nơi khác, gây bức xúc trong nhân dân, làm “nản lòng” nhà đầu tư và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chung của tỉnh. Những hạn chế, yếu kém này đang là lực cản sự phát triển của tỉnh, cần phải được tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Thưa đồng chí Bí thư, năm 2023 dự báo vẫn có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Bình Thuận cũng có thuận lợi, thời cơ hơn trước. Mục tiêu chung của chúng ta là gì?

Đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy: Năm 2023, tỉnh cần phải nỗ lực nhiều hơn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trọng tâm là tập trung tháo gỡ nút thắt, triển khai các nhiệm vụ, các công trình, dự án có tính đột phá, tác động tích cực ngay đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Đi đôi với đó là phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đầu tư phát triển, tỉnh sẽ tính toán để sử dụng, phân bổ các nguồn lực hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh phải đạt từ 7% - 7,2%; trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 9% - 9,5%, ngành dịch vụ tăng từ 8% - 8,9%, ngành nông, lâm, thủy sản tăng từ 2,5% - 2,81%.

Để thúc đẩy sự phát triển như kỳ vọng...

Thưa đồng chí Bí thư, xin đồng chí cho biết trong năm mới tỉnh sẽ đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp gì để chúng ta cùng đồng lòng, quyết tâm đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, xanh, bền vững?

Đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy: Đối với nhiệm vụ cụ thể, Tỉnh ủy đã cho chủ trương, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết và Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ có kế hoạch để triển khai thực hiện; song, tựu trung lại là những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Trước hết, sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh, như việc tự bảo đảm cân đối ngân sách vào năm 2025, sớm xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết hạng mục hàng không dân dụng để “mở cửa bầu trời”, nghiên cứu phương án mở rộng thành phố Phan Thiết, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp… Cùng với đó, tỉnh phải hoàn thành và triển khai ngay các quy hoạch, quan trọng nhất là Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng...

bi-thu-an-2.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra dự án kênh thoát lũ ở Phan Thiết. Ảnh: N. Lân

Hai là, Tỉnh ủy đã ban hành 06 Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại bền vững; Nghị quyết về phát triển du lịch; Nghị quyết về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Nghị quyết về phát triển công nghiệp; Nghị quyết về chuyển đổi số và Nghị quyết về nâng cao đời sống nhân dân). Các Nghị quyết này đã định hình tầm nhìn, hệ thống các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển cho 5 đến 10 năm tới trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào những lĩnh vực mà Bình Thuận có tiềm năng và lợi thế. Vấn đề quan trọng tiếp theo là phải cụ thể hóa Nghị quyết bằng những công việc cụ thể, phải nói được, làm được, đưa Nghị quyết vào thực tiễn, tạo ra những chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Tỉnh ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể, có kiểm tra, giám sát để công việc hiệu quả hơn.

Ba là, toàn Đảng bộ đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiếp tục tổ chức sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó nhấn mạnh về tư tưởng, chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; động viên, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo trong công việc, đồng thời sẵn sàng chuyển đổi vị trí công tác, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, thiếu trách nhiệm, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Tiếp tục quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng trong nhân dân để kịp thời giải quyết, nhất là những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Bốn là, Bình Thuận đã được chọn tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính đa ngành, có khả năng lan tỏa cao, được xác định là trụ cột kinh tế của tỉnh. Do vậy, đây là cơ hội lớn để chúng ta quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu và phát triển ngành du lịch; đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Để làm tốt việc này, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp du lịch. Tôi rất mong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đóng góp thời gian, công sức, trí tuệ và nguồn lực, cùng chung tay tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia Bình Thuận 2023.  

Năm 2023, Tỉnh ủy thống nhất chọn chủ đề năm là “Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp” với quyết tâm xây dựng tỉnh Bình Thuận từ thành thị đến nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại, đẹp hơn, xanh hơn, là nơi đáng sống, là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho du khách và nhà đầu tư. Để sớm đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ tính toán dành nguồn lực nâng cấp đường sá, cây xanh, hạ tầng điện, nước, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, việc này bên cạnh sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, rất cần sự chung sức, đồng lòng thực hiện của toàn dân. Mỗi tổ chức, mỗi người dân hãy bắt tay từ những việc nhỏ nhất (như không xả rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng thêm cây xanh…) để xây dựng môi trường sống tốt hơn cho chính mình và cho các thế hệ mai sau…

Năm là, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa, phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án, sớm đưa dự án vào hoạt động.

Sáu là, chăm lo cho lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội; trong đó chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác hiệu quả, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân. Triển khai tốt 03 chương trình mục tiêu quốc gia (về xây dựng nông thôn mới; về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; về xóa đói giảm nghèo bền vững). Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực trong xã hội phục vụ hiệu quả cho công tác giảm nghèo. Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; chăm lo tốt hơn cho gia đình chính sách; hỗ trợ, chăm lo người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người có thu nhập thấp, người khuyết tật và người yếu thế.

Bảy là, giữ vững quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm ma túy, bảo kê, trộm cắp, cướp giật, cho vay lãi nặng… bảo đảm cuộc sống yên bình cho nhân dân.

Tại Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992 - 2022), Thủ tướng Chính phủ đã chúc Bình Thuận sẽ trở thành tỉnh giàu đẹp, sẽ là mảnh đất “để xa mà nhớ, để chưa đến thì muốn đến, để đến rồi thì muốn đến nữa, đến mãi”. Để lời chúc của Thủ tướng thành hiện thực, năm mới đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có thông điệp gì muốn gửi tới cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Bình Thuận?

Đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy: Thủ tướng Chính phủ đã có 02 ngày làm việc với tỉnh Bình Thuận, chứng kiến Lễ Khởi công Khu Công nghiệp Sơn Mỹ 1, kiểm tra tiến độ thi công sân bay Phan Thiết, dự Lễ Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và làm việc với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Thủ tướng Chính phủ rất ấn tượng về sự đổi thay của tỉnh. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, chúng ta đã có cảng biển để mở cửa ra thế giới qua đường biển, có sân bay để mở cửa bầu trời, có cao tốc để tăng cường kết nối trên bộ, được thiên nhiên ban tặng cho cái nắng, cái gió không cần phải mua, không ai lấy được, để phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Bình Thuận có đất đai rộng, bờ biển đẹp, có truyền thống văn hóa, lịch sử tốt đẹp, là động lực bên trong của sự phát triển. Thủ tướng Chính phủ rất vui và kỳ vọng tỉnh ta sẽ phát triển mạnh mẽ, là điểm đến yêu thích của bạn bè, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Đúng như Thủ tướng Chính phủ đã nói, Bình Thuận đang ở giai đoạn có rất nhiều thời cơ để phát triển, đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện tỉnh đang có những dự án với vốn đầu tư tỷ đô la đã được triển khai; một số dự án khác hàng tỷ đô đang chờ chủ trương đầu tư; những lĩnh vực ngày trước kém hấp dẫn (như đầu tư vào nông nghiệp, vào hạ tầng công nghiệp, logistics…) giờ cũng đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Để nắm bắt cơ hội phát triển, chúng ta phải kết hợp hài hòa các nhân tố bên ngoài và nội lực của mình, trong đó nội lực có ý nghĩa quyết định. Trong nội lực, chúng ta có yếu tố thuận lợi, đó là tiềm năng, lợi thế như Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá. Yếu tố nội lực quan trọng nữa là nhân tố con người, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vì thế, tôi mong muốn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, khắc phục tâm lý sợ sai, làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; phải thực sự gương mẫu đi đầu, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.

Đảng bộ, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục phát huy khối đoàn kết thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 ngay từ đầu năm với quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra, xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Tôi rất mong nhân dân tỉnh nhà đồng thuận, ủng hộ những chủ trương, quyết định, chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng thi đua, quyết tâm cao trong công việc, để kết quả năm 2023 cao hơn so với những năm trước; đồng thời, cùng tham gia giám sát việc thực hiện để kịp thời phản ánh những sai sót, hoặc các hành vi tiêu cực, “nhũng nhiễu”, làm khó nhân dân và doanh nghiệp.

Nhân dịp đón Xuân Quý Mão 2023, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng gửi đến toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.

Xin cảm ơn đồng chí Bí thư, chúc đồng chí cùng gia đình một năm mới an khang, hạnh phúc!

(*): Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận.

KHÔI NGUYÊN (THỰC HIỆN)


(0) Bình luận
Bài liên quan
 Quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh khu vực biên giới biển của tỉnh
Sáng 4/1, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác Biên phòng năm 2023. Đồng chí Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phỏng vấn đầu năm: Xây dựng Bình Thuận trở thành nơi “để xa mà nhớ, để chưa đến thì muốn đến” (*)