Theo dõi trên

Quốc lộ 28B, tuyến đường hy vọng

04/02/2020, 09:35

 BT- Làm sao tuyến đường này được nâng cấp, mở rộng để xe container chở hàng hóa của vùng Tây Nguyên xuống được vùng Tuy Phong. Đó là cung đường gần nhất, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp nhất.

Trạm dừng chân Ba Hữu.

 Mít và trạm dừng chân

Miệt mài di dời mấy công trình đơn sơ đã cất 5 năm trước vào sâu mảnh đất bên trong kéo dài đến gần giao thừa, anh Nguyễn Văn Hữu - Phan Lâm (Bắc Bình) mới tạm hài lòng. Hơn 50% diện tích của trạm dừng chân đã ở phía trong, cách hành lang an toàn đường bộ khoảng 4 m, 50% còn lại anh sẽ chuyển dần vào mấy ngày sau tết. Trạm dừng chân Ba Hữu vào Tết Canh Tý này với “chân trong, chân ngoài” như thế nhưng vẫn hút khách qua lại trên tuyến quốc lộ 28B. Mùng 1, khách đã ghé trạm rải rác. Sang mùng 2, xe khách 30 chỗ, 50 chỗ đã bắt đầu nhộn nhịp qua lại. Trạm dừng chân của anh đã tiếp đón khoảng 1.000 lượt khách, có cả khách nước ngoài theo quốc lộ 20 (Lâm Đồng) xuống Mũi Né, Liên Hương hoặc từ Bình Thuận lên Đà Lạt. Từ mùng 3 tết trở đi, xe qua lại nhiều lên, mùng 6 tết, khách ghé trạm của anh Hữu đã chạm con số 2.000. Mắt trõm sâu nhưng không giấu nét vui, thoải mái trong lòng, anh Hữu hồ hởi khoe chuyện anh tự nguyện lùi trạm dừng chân vào để quốc lộ 28B thông thoáng hơn. “Nghe loáng thoáng về việc mở rộng đường, tôi nhìn lại đoạn đường có trạm dừng chân của mình thì nhận ra, có lẽ chỉ có bên này mới lùi vào sâu bên trong được. Vì bên đối diện kia là núi, là rừng cây”. Anh cười xòa về cái tính hay lo xa của mình nhưng ở vùng đất này, điều đó không thừa. Trước đó, anh mua đất bên trong đường, đất rộng dù mấp mô, thấp hơn đường cả mét. Phải đổ nền cao ngang mặt đường rộng đến mấy sào đất, không đơn giản. Nhiều đêm tính toán số tiền. Chỉ là tiền. Vì nhân công thì anh và 2 đứa con trai đang có sức vàng lao động có thể gắng thêm được. Và nhờ vậy, bây giờ trạm dừng chân mới mẻ này mới có cơ hội đang thành hình.

Gọi là trạm dừng chân nhưng thực tế lúc ban đầu gầy dựng, anh chỉ cất 3 - 4 chái nhà lá đủ rộng để mắc hàng chục chiếc võng, để đặt chục chiếc bàn ăn và một sân đậu xe để có thể chứa vài chiếc xe khách, xe con cùng lúc. Lúc ban đầu ấy, anh cùng gia đình từ Long An ra đây định cư, trồng cây ăn trái. Những kiến thức tích lũy bao năm trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng mít, anh đã góp phần tác động, thúc đẩy, nhất là đầu ra để nhiều người chọn trồng mít. Và dải đất từ xã Phan Lâm, qua Phan Sơn đổ về Sông Bình hiện có khoảng 1.000 ha mít, trong đó có không ít diện tích được trồng từ giống mít anh tặng bà con. Vào mùa, mít chín được đem ra trạm dừng chân Ba Hữu bán. Người bán tự giới thiệu, người mua khen. Chuyện kéo dài qua tháng nọ, năm kia rồi bỗng một ngày cái tên “Mít sạch Ba Hữu” được nâng cấp lên thương hiệu trong người mua lúc nào không hay. Lúc này như đã chín muồi, anh Hữu đứng ra thành lập HTX mít sạch Ba Hữu tại Phan Lâm với kế hoạch xây dựng cơ sở sấy mít khô, nhằm đưa sản phẩm đi xa hơn và cũng để phân biệt với mít được trồng trong vùng nhưng bị bơm hóa chất kiếm lợi nhuận trước mắt của một số di dân khác. Nhìn lại hành trình xuất hiện của mít sạch, trạm dừng chân Ba Hữu là nơi bán cũng như quảng bá thương hiệu cho sản phẩm lan tỏa rộng, bỗng nhận ra ở vùng núi cao này rất cần thêm những nhân tố như anh Hữu.

 “Cửa ngõ” lao xao

Đi hết tuyến quốc lộ 28B dài 69 km, bắt đầu từ ngã ba Lương Sơn (Bắc Bình) đến giáp giới quốc lộ 20 (Đức Trọng - Lâm Đồng), tôi phải thót tim vì nhiều đoạn đường quá hẹp lại đèo dốc quanh co. Nhưng cũng cảm nhận nét đẹp rất thiên thai ở đây, nhất là đoạn giáp giới, nơi đèo cao khúc khuỷu và các cá nhân ở Lâm Đồng qua đều chọn những vị trí đắc địa để lấn chấm xây cất 4 trạm dừng chân trái phép trong năm 2019. Chỉ đi trên đường thôi cũng có thể thấy được toàn cảnh trời và núi rừng hùng vĩ trùng điệp ẩn hiện trong sương trải dài mênh mông bên dưới. Vì vậy, nếu lên gác cao của các trạm dừng chân này thì cảnh quan thu vào tầm mắt còn tuyệt vời hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn. Với lý do luôn có khách ghé, nên giải thích vì sao ngành chức năng và chính quyền Bắc Bình đã “tuýt còi” từ nhiều tháng trước nhưng những nơi trên vẫn có cớ để hoạt động. Lý do kép khác, rằng các cá nhân lấn chiếm này vốn muốn “cố đấm ăn xôi”, trong khi chính quyền Bắc Bình ở xa lại thiếu người. Cũng vì thế mà trước đó, câu chuyện phát hiện trễ của chính quyền nên khi đến nơi thì phần lớn các trạm dừng chân này đã ra hình ra dáng rồi. Có trạm chưa xây dựng kịp và dù chính quyền Bắc Bình đã có quyết định xử phạt, đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ để thực hiện cưỡng chế sau Tết Canh Tý nhưng hộ dân này vẫn tranh thủ thời gian gấp rút hoàn thiện công trình để đón khách dịp Tết Canh Tý!?

Quang cảnh 1 trạm dừng chân trái phép.

Trong 69 km của toàn tuyến ấy, đoạn của Bình Thuận quản lý dài hơn 51 km, tôi đếm có khoảng 10 trạm dừng chân, trong đó 4 trạm trái phép, còn lại là chưa phép. Các trạm dừng chân chưa phép như trạm của anh Hữu nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ, ở gần khu dân cư, trung tâm xã vốn đã xuất hiện từ lúc con đường 28B này còn mang tên là đường công vụ, vì với mục đích ban đầu chỉ là phục vụ công trình thủy điện Đại Ninh. Nhưng thực tế diễn ra từng ngày sau đó, những chuyến xe chở người dân 2 tỉnh và cả du khách nơi khác vẫn chọn con đường này để lên Lâm Đồng hay xuống Bình Thuận. Vì thế, nhiều năm nay, quốc lộ 28B xuống cấp, đã cảnh báo quá tải với lưu lượng xe cộ qua lại. Rất rõ là năm 2009, thời điểm xảy ra sự cố lật xe chở đoàn du khách Nga khiến con đường công vụ này được lên quốc lộ 28B, về mặt danh nghĩa. Và từ đó đến nay, năm nào Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng trích kinh phí cho giặm vá con đường. Như năm 2020 này, quốc lộ 28B thuộc đoạn Bình Thuận quản lý được ghi vốn 37,5 tỷ đồng để sửa chữa nền, mặt đường và lề đường theo hướng gia cố lề mỗi bên 0,75 m, thảm bê tông nhựa và bổ sung thêm một số rãnh thoát nước.

Một diễn biến khác, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận năm 2019 có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự và chỉ đạo, những gì nhà đầu tư lớn ở khu vực Cảng Vĩnh Tân ao ước khiến người ta hình dung viễn cảnh về sự góp mặt mang tính quyết định của tuyến quốc lộ 28B. Làm sao tuyến đường này được nâng cấp, mở rộng để xe container chở hàng hóa của vùng Tây Nguyên xuống được vùng Tuy Phong. Đó là cung đường gần nhất, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp nhất. Cũng dịp ấy, trong kiến nghị nhiều vấn đề, Bình Thuận đã nhấn mạnh cần cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B thì mới mong tạo ra quang cảnh sầm uất cho Cảng Vĩnh Tân, góp phần thay đổi nền kinh tế của tỉnh.

Và tháng 10/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B vào danh mục các dự án dự kiến đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Thông tin này khiến những ai liên quan, hưởng lợi từ tuyến đường trên như anh Hữu mừng lắm. Anh Hữu sắp xếp bao kế hoạch đề ra như sẽ xin phép rồi xây dựng trạm dừng chân đàng hoàng hơn, xúc tiến xây dựng cơ sở sấy nông sản như mít, bắp… để nâng thu nhập người dân miền núi ở đây, kêu gọi xây dựng du lịch sinh thái ven bờ hồ Sông Lũy… Tôi cảm nhận, những dự định cho phát triển vùng đất này cứ lao xao trong dịp tết này và tuyến đường 28B bỗng nhiên mang nhiều hy vọng.

Ghi chép: Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nhớ về tháng 4 lịch sử
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt với nhiều hy sinh, mất mát nhưng vẻ vang, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, được kết thúc bằng chiến thắng lịch sử vào ngày 30/4/1975.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quốc lộ 28B, tuyến đường hy vọng