Theo dõi trên

Sa Lôn - về với “Dòng nước mẹ”

14/03/2023, 05:46

Đông Giang – những lần đi về theo những chuyến công tác. Nhưng phải đến tháng 3, tôi đến với Đông Giang, cụ thể tại Sa Lôn với một tâm thế khác. Cung đường hoang sơ ấy, sâu thẳm bên 2 cánh rừng bạt ngàn là một khu di tích căn cứ, mới hình thành. Đến với Sa Lôn như được trở về với rừng thiêng và “dòng nước mẹ” chốn thâm sơn, từng ghi dấu một thời rực đỏ...

unnamed.jpg

Sa Lôn – Dòng nước mẹ

Sa Lôn là vùng rừng núi thuộc xã Đông Giang (huyện Hàm Thuận Bắc) trải rộng khoảng 10 km2, phía đông giáp với xã Hàm Phú, phía tây giáp xã La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc), phía nam giáp xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) và phía bắc giáp với xã Sơn Điền (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng). Nơi đây có địa hình phức tạp, phần lớn là những dãy rừng núi nối tiếp nhau kéo dài, được bao phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh dày đặc.

Các già làng K’ho ở xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc giải thích: Sa Lôn nghĩa là “dòng nước mẹ”, “dòng suối uốn lượn như rồng...”. Nơi đây, vào những năm kháng chiến chống Mỹ - chiến tranh ác liệt, để đảm bảo an toàn, bí mật nên Tỉnh ủy Bình Thuận phải di dời và đóng chân tại nhiều địa điểm ở vùng rừng núi trong tỉnh như: căn cứ núi Ông (Tánh Linh), căn cứ Sa Lôn (nay là xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc), căn cứ Km 36, quốc lộ 28 (nay thuộc xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc)… Sa Lôn được là địa điểm cơ quan Tỉnh ủy đóng chân ở nhiều khoảng thời gian khác nhau. Hơn 3 lần đóng chân ở Sa Lôn hơn 8 năm ròng rã. Khó khăn, nối tiếp khó khăn. Mưa rừng gió núi, thiếu thốn muôn bề nhưng ý chí, chấp nhận mất mát, hy sinh để lại những dấu ấn trong hành trình đấu tranh gian khổ ấy.

unnamed-1.jpg
Báo Bình Thuận trong hành trình về nguồn Salon.

Sa Lôn đã từng ghi lại những giai đoạn mạnh mẽ ấy vào tháng 12/1954 - 6/1957, giữa năm 1961 - tháng 12/1964, tháng 9/1968 - tháng 8/1970. Chốn rừng thiêng ấy ghi lại nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng như: Hội nghị thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bình Thuận (tháng 10/1962); Đại hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Thuận lần thứ I (1962) và lần II (1964); Đại hội Chiến sĩ thi đua tỉnh Bình Thuận lần thứ I (tháng 9/1964); Hội nghị thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Bình Thuận (tháng 6/1969), Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ I trong kháng chiến chống Mỹ (tháng 7/1970)… Đặc biệt, ngày 9/9/1969, tại đây đã tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh với bức ảnh chân dung Người bằng lụa, bọc trong khung, đặt trên bàn thờ bằng cây lồ ô còn được lưu giữ đến nay.

Cũng tại nơi đây, nhiều đơn vị, cơ quan, ban được thành lập, đóng chân và hoạt động như: Ban Kinh tài, Ban Hậu cần (tháng 2/1961); Ban Quân sự tỉnh (tháng 3/1961); Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy (tháng 8/1961); Xưởng Quân giới Cao Thắng (tháng 9/1961); Bộ phận trung chuyển – Trạm F5 (cuối 1961); Ban Quân y tỉnh, Trường Đảng Trần Phú, Nhà in Giải phóng Bình Thuận (1962); Bệnh xá X1 (tháng 2/1962); Ban Hậu cần trực thuộc Ban Quân sự tỉnh (tháng 3/1962); Ban An ninh tỉnh (tháng 7/1962); Ban Dân Quân y tỉnh (năm 1963)… Nhưng nó chưa đủ và sẽ thiếu, nếu như trong cuộc kháng chiến tàn khốc của những năm chống Mỹ, không có sự bảo bọc, chở che của khoảng 2.500 đồng bào K’ho cư trú tại vùng rừng núi Sa Lôn. Đồng bào K’ho chung tay bảo vệ buôn làng, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhân lực cho hoạt động của căn cứ cách mạng. Sa Lôn hôm nay, sừng sững trên đỉnh núi với 813 bậc thang, 13 hầm trú tái hiện những dòng nước mát từ khe núi, với nhiều loại trái rừng như đang tái hiện lại thời gian thanh xuân của người lính, đẹp đẽ và tinh hoa.

unnamed-11.jpg
Nơi làm việc của Bí thư Tỉnh ủy thời ấy.

Người tìm về hồi ức

Từ khi khánh thành vào ngày 2/2/2023, trong hơn 1 tháng đã có hơn 5.000 lượt khách đến tham quan. Trong đó, nhiều đơn vị, tổ chức, cơ quan, trường học… Đặc biệt, thấp thoáng trong hành trình về với Sa Lôn có những chiếc áo thanh niên xung phong một thời hoa đỏ. Họ tìm về, như tìm chút kỷ niệm của chính mình thời son trẻ. Bồi hồi, xúc động khi gối đã mỏi chân đã chẳng còn có thể mang vác di chuyển theo đường rừng như thời ấy. Nhưng ở đó, gói ghém kỷ niệm. “Khó khăn lắm chứ, hồi đó mỗi lần liên lạc từ trạm này qua trạm khác phải băng rừng, nguy hiểm chứ không như bây giờ. Cứ đến là nhớ, nhớ khoảng thời gian đó, không biết mình có thể hy sinh lúc nào” – cô Bính (ngụ xã Hàm Liêm), trò chuyện cùng với tôi khi cùng vượt qua những bậc thang cuối cùng để đến với đỉnh Sa Lôn. “Đây là lần thứ 2 cô đến đây. Giờ còn khỏe thì cứ đi, để sau này không phải hối tiếc. Lần nào đến đây, cảnh cũ hiện lên làm cô xúc động”- cô Bính nói.

unnamed-1.jpg

Người tìm về hồi ức

unnamed-10.jpg
Dưa rừng

Trong không gian khu trưng bày, cô Trần Thị Bích Liên – cựu chiến binh xã Hàm Liêm cứ tần ngần nhìn lại những cảnh cũ. Hơn 50 năm trở lại, người nữ văn công ấy đã không khỏi xúc động: “Đây là lần đầu tiên cô trở lại nơi này, dù trước đó cô và chồng tham gia không biết bao nhiêu chuyến hành trình về nguồn. Nhưng ở đây, cô xúc động lắm, bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu cái xưa cũ một thời bom đạn khó khăn, sống – chết cứ như mới hôm qua. Xúc động lắm con!”. Trong 13 năm công tác ở khu này, Sa Lôn rộng lắm, ở đây chỉ là một nơi đã chọn để khánh thành, nhưng cô Liên cảm nhận như được trở về nhà. Với những tháng ngày cùng khổ với đồng đội, với những bữa rau rừng lót dạ. “Hồi chưa xây dựng khu này, cô chú hay cùng với đồng đội cũ tổ chức những chuyến đi về đây, mắc võng, nấu ăn vui đùa cùng nhau, dù những con người đã bước sang tuổi mỏi gối chồn chân”- cô Bích liên chia sẻ.

unnamed-4.jpg
Vượt qua 813 bậc thang để đến với đỉnh Salon
unnamed-10.jpg

Có thể với rất nhiều khu căn cứ hiện hữu trên khắp dải đất Việt, Sa Lôn chỉ là 1 điểm trong hành trình của sự khốc liệt mà chiến tranh gieo rắc. Nhưng, Sa Lôn sẽ là một nơi để khơi mầm cho các thế hệ trẻ, tường tận những giai đoạn lịch sử rõ ràng nhất. Sự khốc liệt, khổ ải, nhưng nung nấu ý chí cách mạng. Nơi đây đã từng nuôi nấng, bảo bọc tuổi trẻ, hun đúc mạnh mẽ tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Về với Sa Lôn – về với chốn rừng thiêng, như về với dòng nước mẹ, từng nuôi nấng chở che cho một thời hoa đỏ của tháng 3 lịch sử.                      

unnamed-3.jpg
unnamed-9.jpg

QUANG NHÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phụ nữ Tuy Phong nói không với rác thải nhựa
Hưởng ứng cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, phong trào phòng, chống rác thải nhựa trên địa bàn do hội phụ nữ cấp trên phát động, sau thời gian trăn trở, suy nghĩ bà Phan Thị Thanh Loan – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2, thị trấn Liên Hương đã xây dựng mô hình thùng phế liệu ủng hộ người nghèo.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sa Lôn - về với “Dòng nước mẹ”