Theo dõi trên

Sản xuất - kinh doanh tại các KCN: Sắp tới sẽ khởi sắc hơn

09/04/2024, 05:07

Hoạt động sản xuất - kinh doanh tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Bình Thuận trong quý đầu năm nay ghi nhận cả 3 chỉ tiêu cơ bản về doanh thu, kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách đều tăng trưởng ở mức 2 con số…

“Phần lớn các doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng để sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động…”, ông Trần Văn Nam - Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cho biết về tình hình sản xuất - kinh doanh trong quý đầu năm 2024. Theo đó, doanh nghiệp tham gia hoạt động trên lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu đang nghiên cứu mở rộng quy mô sản xuất, còn các ngành hàng dệt may, da giày, hạt điều, thủy sản, nấm và thảo dược, khoáng sản, giấy hoặc nhóm ngành thương mại dịch vụ cũng duy trì được doanh thu lẫn kim ngạch xuất khẩu. Có dự án mới sau thời gian xây dựng đã đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh như Công ty TNHH SHEH FUNG SCREWS (KCN Hàm Kiệm II) quy mô diện tích 20 ha với vốn đầu tư 50 triệu USD. Hay như với Công ty TNHH Chế biến thủy hải sản Trans Pacific (KCN Phan Thiết giai đoạn 2) thì đang khẩn trương xây dựng nhà xưởng để mở rộng sản xuất…

img_5338.jpg
img_5260.jpg
Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn Bình Thuận trong quý đầu năm 2024.

Kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn tỉnh trong quý I/2024 ghi nhận doanh thu ước đạt 2.450 tỷ đồng (tăng 12% so cùng kỳ), kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 55 triệu USD (tăng 14,3%) và nộp ngân sách khoảng 50 tỷ đồng (tăng 10,5%). Dù vậy theo lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, bên cạnh những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì vẫn còn trường hợp gặp khó khăn, sản phẩm sản xuất khó tiêu thụ, tập trung ở ngành hàng: Thanh long sấy, đá thạch anh nhân tạo, bao bì carton, phân bón… Nguyên nhân chủ yếu do tác động của tình hình thế giới, thị trường chưa phục hồi mạnh khiến một số doanh nghiệp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm dẫn đến hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động. Vì vậy trong quý đầu năm nay, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận đã kịp thời hướng dẫn, thông tin đến doanh nghiệp về những quy định, chính sách có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường...

Bước vào quý II/2024, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Trần Văn Nam nhận định hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn. Bởi các doanh nghiệp hiện đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất và tham gia các hoạt động thương mại để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, nhất là với nhóm ngành gỗ, may mặc, nông - lâm - thủy sản có được đơn hàng nhiều hơn so cùng kỳ năm ngoái. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động hoặc đang xây dựng chuẩn bị đi vào hoạt động trong thời gian tới cũng góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp cho địa phương…

Nói về tín hiệu khởi sắc, ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Gỗ Xuất khẩu Khải Hoàn (KCN Phan Thiết giai đoạn 1) cho biết từ cuối năm 2023 doanh nghiệp tiếp tục nhận đơn hàng phát sinh, vì vậy có thể đảm bảo cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu liên tục đến hết năm 2025. Với tình hình này, dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ có sự bứt phá nên doanh nghiệp tích cực đầu tư máy móc, thiết bị và mở rộng thêm nhà xưởng sản xuất sofa trên địa bàn xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc… Sắp tới, ngoài các thị trường truyền thống thì Công ty CP Chế biến Gỗ Xuất khẩu Khải Hoàn cũng hướng đến thâm nhập thị trường Pháp (thông qua hợp tác với đối tác mới như Công ty Ozeal thuộc Tập đoàn Công ty Noz) và một số thị trường thuộc EU nhằm đẩy mạnh lượng hàng hóa xuất khẩu trong năm nay.

Theo Cục Thống kê Bình Thuận, qua khảo sát các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến chế tạo cho thấy có 28,4% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh trong quý I/2024 tốt hơn so quý trước đó, trong khi 40,3% số doanh nghiệp cho rằng ổn định… Còn dự kiến tình hình sản xuất - kinh doanh quý II/2024 so với quý đầu năm nay thì có 87,6% doanh nghiệp đánh giá ổn định và tốt hơn (trong đó 53,7% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn và 23,9% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất - kinh doanh ổn định), chỉ 22,4% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Đ.QUỐC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tái cơ cấu ngành Công Thương: Tập trung phát triển trụ cột kinh tế của Bình Thuận
Công nghiệp được xác định là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh, do vậy thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn Bình Thuận cũng hướng đến góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có công nghiệp hiện đại và năng lực cạnh tranh cao vào năm 2030…
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản xuất - kinh doanh tại các KCN: Sắp tới sẽ khởi sắc hơn