Theo dõi trên

Sau những cuộc “vượt sóng, rẽ gió”

17/01/2022, 09:21

BX- Sau những lần thất bát vì sự đóng, mở theo màu sắc dịch mà dân kinh doanh ví von là vượt sóng, rẽ gió tại đô thị đông đúc, nơi vốn thuận lợi cho dịch Covid- 19 lây lan, doanh nghiệp đã quyết tâm hơn chuyện phải “chia trứng nhiều giỏ” trong sản xuất kinh doanh.

Văn phòng chia sẻ

Khi những tờ lịch cuối cùng của năm 2021 rơi xuống mà dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc đã kết năm qua là năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất. Dù vậy, với những yếu tố đã và đang hình thành như cao tốc, sân bay, cảng biển và các tuyến giao thông đối ngoại cùng những thế mạnh đã gầy dựng bao lâu, giờ này bắt đầu có những nhộn nhịp riêng, trong niềm hy vọng vắc xin đang phủ khắp toàn dân. Thấy rõ nhất là những dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển vẫn nỗ lực thi công trong điều kiện dịch bệnh nên 1-2 tháng qua đã tạo ra làn sóng đầu tư vệ tinh vây quanh. Nổi bật là khu vực ven biển từ thị xã La Gi kéo qua Hàm Thuận Nam xuôi về TP. Phan Thiết, khi các tuyến đường ĐT719B, ĐT719 đang thi công, đường Hàm Kiệm – Tiến Thành đã định rõ thời gian xây dựng…

dien-gio.jpg
Các dự án điện gió ở Tuy Phong. Ảnh: Ngọc Lân

Điều mà dân tham gia các buổi giao dịch đất đai loạn xạ mấy tháng qua thu được là có nhu cầu để xây dựng những văn phòng cho các công ty, tập đoàn đang có xu hướng chuyển tới Bình Thuận. Thực tế, tại TP. Hồ Chí Minh, qua thông tin từ báo chí cũng cho thấy, sau mấy bận hoạt động rồi ngưng theo lệnh đóng, mở đột ngột do màu dịch chuyển sắc đỏ bất ngờ, nhiều doanh nghiệp ở đây đã thuê văn phòng làm việc chia sẻ để tiết kiệm chi phí và tận dụng các dịch vụ chuyên nghiệp ở các tòa nhà làm việc chung. Điều đáng chú ý, đây là những doanh nghiệp lớn với cả trăm, thậm chí cả ngàn nhân sự nên đã phá vỡ suy nghĩ lâu nay rằng dạng văn phòng làm việc theo kiểu chia sẻ không gian này chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp khởi nghiệp, ít nhân viên và muốn tiết kiệm chi phí.

Đồng thời với kiểu văn phòng trên là sự hình thành dạng văn phòng ở nhiều địa điểm theo kiểu chi nhánh. Trong hoàn cảnh dịch bệnh này, trước mắt thấy rất rõ sự dịch chuyển ấy nhằm tạo không gian làm việc vừa tiện nghi, vừa linh hoạt ứng biến với các lệnh giãn cách trong tương lai. Có thể hình dung, nếu văn phòng này dừng hoạt động, vì dịch bệnh thì vẫn còn văn phòng khác duy trì công việc của công ty. Hơn thế, thật ra chính các doanh nghiệp đã cảm nhận vùng Bình Thuận là nơi triển vọng, có lợi thế so sánh rất rõ cho sản xuất kinh doanh tốt trong vài năm tới nên có chiến lược đón đầu.

“Nam châm” từ năng lượng sạch

Lợi thế so sánh mà doanh nghiệp cảm nhận về Bình Thuận, đó là nơi có điều kiện hiện thực hóa những dự án năng lượng tái tạo ở trong bờ lẫn ngoài khơi. Trong xu thế Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính xuống mức thấp nhất thì Bình Thuận là 1 trong số rất ít tỉnh được công nhận có đủ điều kiện cho những dự án khổng lồ đó hình thành, góp phần biến cam kết trên thành hiện thực. Hơn nữa, điều nổi bật ấy đã thể hiện ở buổi đầu trên thực tế với hàng chục dự án điện mặt trời, điện gió đi vào hoạt động, đã thành lĩnh vực vụt sáng quyết định đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng trong năm 2020. Sang năm 2021 tiếp tục có thêm các dự án điện gió trên bờ được hòa lưới và những nhà đầu tư khác tiếp tục một số bước để triển khai các dự án tạo sự đột phá lớn về năng lượng sạch, nhất là điện gió ngoài khơi và điện khí.

Tại cuộc họp cho ý kiến về Nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025 diễn ra tháng 11/2021, lãnh đạo Sở Công Thương cho rằng, thực tế từ đại dịch bệnh trên toàn cầu cùng những bất ổn khác trong sản xuất kinh doanh, các nhà đầu tư lớn trên thế giới có xu hướng phát triển dịch chuyển về những nước, những địa phương có phát triển năng lượng tái tạo. Mục đích để phát triển các nhà máy, các cụm công nghiệp bảo đảm bền vững, nhất là về mặt ổn định năng lượng…Vì vậy, trong tương lai không xa sẽ có một làn sóng đầu tư đổ vào. Do đó, tỉnh cần có dự báo, chuẩn bị sẵn quỹ đất để phát triển công nghiệp xanh, sạch.

Nhận định sức hút từ “nam châm” năng lượng trên cũng đã được xới lên trước đó, ở góc độ khác và ở tầm vĩ mô. Đó là vào tháng 8/2020, trả lời báo chí, giáo sư Eric Mottet, Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Québec ở Montréal, Canada đã chỉ ra những thuận lợi lẫn bất lợi của Việt Nam trong thu hút đầu tư. Trong đó, có nhấn mạnh bất lợi thiếu… năng lượng. Ông nói: “Nếu họ muốn xây dựng các nhà máy sản xuất dụng cụ y tế quy mô lớn thì phải giải quyết được vấn đề thiếu năng lượng vẫn xảy ra ở Việt Nam và phải có được một chính sách năng lượng thực sự mà hiện vẫn còn thiếu”. Với Bình Thuận, nơi đang hướng đến là trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia, nơi mà hiện tại dù chưa hình thành đã được xem là trung tâm điện gió ngoài khơi của cả nước đã cho thấy rõ một lợi thế so sánh trong thu hút đầu tư.

Có cơ hội cho lựa chọn

Những đánh giá của giáo sư Eric Mottet là tiếp nối dòng chảy thông tin của thời điểm năm ngoái về xu hướng các nước đang chịu thu hút từ Việt Nam, nơi được phân tích cho thấy có nhiều yếu tố đáp ứng sản xuất kinh doanh vượt trội. Và có vẻ kết quả từ Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ (SFS) 2021 tổ chức từ ngày 24 - 26/11 vừa rồi tại TP. Hồ Chí Minh đã chứng minh điều ấy, khi có hàng chục tập đoàn lớn như Intel, Samsung, Bosch, Panasonic… tìm đến. Họ đang có nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước thuộc các ngành nghề như điện, điện tử, cơ khí chế tạo, thiết bị truyền tự động, tự động hóa công nghiệp… với danh mục hơn 400 chi tiết linh kiện. Theo đó, đã có hơn 230 cuộc kết nối đăng ký trực tiếp và trực tuyến, mở ra nhiều triển vọng không chỉ cho TP. Hồ Chí Minh. Vì thực tế, một số doanh nghiệp đã có đơn hàng cung ứng và đang tìm thêm mặt bằng để mở thêm nhà máy.

Sau những lần thất bát vì sự đóng, mở theo màu sắc dịch mà dân kinh doanh ví von là vượt sóng, rẽ gió tại đô thị đông đúc, nơi vốn thuận lợi cho dịch Covid-19 lây lan, doanh nghiệp đã quyết tâm hơn chuyện phải “chia trứng nhiều giỏ” trong sản xuất kinh doanh. Đây cũng là xu hướng chung toàn cầu hiện nay nên Bình Thuận với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang buổi ban đầu sẽ là nơi được các doanh nghiệp trên nhắm tới, khi thời gian về tỉnh đã rút ngắn rất nhiều nhờ cao tốc, sân bay sớm hoàn thành. Bối cảnh cho thấy Bình Thuận bây giờ có nhiều cơ hội được lựa chọn nhà đầu tư…

Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 250.000 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 12 - 14%; vốn ngoài ngân sách chiếm khoảng 86 - 88%. (Nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025).

BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nhiều dự án điện gió vận hành thương mại
BT- Thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, đến cuối tháng 10/2021 có 69 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 3.299 MW được EVN công nhận vận hành thương mại (COD), trong tổng số 106 nhà máy điện gió, tổng công suất 5.655,5 MW đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm. Nếu bao gồm cả 15 nhà máy điện gió được công nhận COD vận hành trước đây, thì trong hệ thống điện quốc gia đã có tổng cộng 84 nhà máy điện gió với tổng công suất hơn 3.980 MW được công nhận COD… Trong đó, Bình Thuận có các dự án đăng ký đã được công nhận COD đến cuối tháng 10 vừa qua như: Nhà máy điện gió Thái Hòa công suất 90 MW tại xã Hòa Thắng, Bắc Bình do Tập đoàn Thái Bình Dương đầu tư; Tân Phú Đông 50 MW, Hồng Phong 1 công suất 40 MW; Phong điện 1 - Bình Thuận (giai đoạn 2) gần 30 MW; Phú Lạc - giai đoạn 2 với 25 MW, Hàm Cường 2 với 20 MW, Thuận Nhiên Phong 19 MW.
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau những cuộc “vượt sóng, rẽ gió”